Bảo hộ sản phẩm làng nghề, xây dựng chỉ dẫn địa lý (CDĐL), nhãn hiệu tập thể (NHTT), nuôi dưỡng, quảng bá tài sản trí tuệ… là cách làm giàu mà nhiều địa phương đang thực hiện theo chương trình hỗ trợ và phát triển tài sản trí tuệ đã được triển khai ở 42/63 tỉnh, thành.

Tại hội nghị về quản lý sở hữu trí tuệ (SHTT) vừa tổ chức tại Hải Phòng, Báo Khoa học và Phát triển đã có cuộc trao đổi với đại diện một số sở khoa học và công nghệ (KH&CN) về chương trình này, đặc biệt là việc phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương.

Vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ CDĐL và bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Ảnh: Lệ Hằng

Quảng Nam: Bảo hộ 100% số sản phẩm làng nghề vào năm 2025

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốcSở KH&CN Quảng Nam. Ảnh: Loan Lê

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam - cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 100% số sản phẩm làng nghề truyền thống. Mới đây, Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh kế hoạch hỗ trợ tạo lập và phát triển CDĐL, NHTT cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống giai đoạn 2016-2020.

Hiện Quảng Nam đã đăng ký bảo hộ 2 CDĐL, gồm CDĐL Trà My cho sản phẩm quế và CDĐL Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ. Riêng CDĐL Ngọc Linh đã được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận. Sở KH&CN hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã thống nhất triển khai dự án phát triển quyền CDĐL Ngọc Linh trong chương trình SHTT giai đoạn 2016-2020.

Hiện vẫn còn vài vướng mắc trong bảo vệ và phát triển quyền SHTT của các sản phẩm giá trị, các loài bản địa đặc hữu. “Tỉnh muốn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, thậm chí đã đăng ký nhưng các hợp tác xã, làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu quyền đó lại không quan tâm đến phát triển và khai thác; văn bằng chứng nhận đem về chỉ để trưng bày. Vì vậy, cần tăng cường phổ biến kiến thức về sở hữu công nghiệp, SHTT, sớm có cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên mọi bình diện” - ông Tích nói.

Đắk Nông: Nuôi dưỡng, quảng bá tài sản trí tuệ

Ông Trần Đình Mạnh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đắk Nông.

Ông Trần Đình Mạnh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đắk Nông - cho biết sở đã tham mưu, giúp UBND tỉnh đẩy mạnh chương trình phát triển tài sản trí tuệ địa phương bằng việc xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu, sáng chế về nông nghiệp; phát triển các cây công nghiệp dài ngày như càphê, hồ tiêu, điều… và cây ngắn ngày như lúa, ngô.

Trong các giống cây giá trị kinh tế cao của Đắk Nông hiện có loài hoa lan Tuy Đức đã nổi tiếng ở Nhật Bản, Singapore và một số nước châu Âu, nhưng vẫn chưa xây dựng CDĐL thành công. “Vướng mắc nằm ở khâu thủ tục và nhận thức của địa phương. Theo tôi, nên đơn giản hóa thủ tục hành chính để người dân thực hiện dễ dàng hơn” - ông Mạnh nói và cho biết.

Sở KH&CN sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm về SHTT và sáng chế. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ xuống cơ sở, nơi sản xuất để phổ biến về sự khác biệt lợi ích giữa có và không có bảo hộ quyền SHTT. Sở sẽ rà soát những công việc đã thực hiện, xác định các tồn tại thuộc về cơ quan chức năng hay người dân để khắc phục. “Đặc biệt, sở sẽ tập trung rà soát số đơn các doanh nghiệp gửi Cục SHTT những năm trước, nhưng mới chỉ được tiếp nhập đơn chứ chưa được cấp nhãn hiệu, bằng sáng chế. Sở đã làm việc với các đơn vị của cục để sớm hoàn thành việc này” - ông Mạnh cho biết.

Bắc Giang: Chọn 20 sản phẩm để phát triển thương hiệu

Ông Ngô Chí Vinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang.

Theo ông Ngô Chí Vinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang, để thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, ngoài việc tham gia các chương trình, dự án, sở đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chính sách đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng chế trên địa bàn.

Bên cạnh các quy định giúp đẩy mạnh tuyên truyền cho hoạt động này, còn có một số chính sách động viên, khen thưởng người có sáng kiến, phát minh. Sở cũng đang đề cập vấn đề hỗ trợ thêm những người có sáng kiến để thúc đẩy việc phát triển ý tưởng thành công nghệ mới hay các sáng kiến hoàn chỉnh hơn.

Về nông nghiệp, gần đây Bắc Giang đã đăng ký nhiều thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN cùng các sở liên quan tìm ra các sản phẩm chủ lực bên cạnh những sản phẩm đã đăng ký và có thương hiệu nổi tiếng khác, sau đó phát triển thương hiệu và gây dựng thành thương hiệu chủ lực của tỉnh.

Ngoài những nông sản chủ lực đã nổi tiếng như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, Bắc Giang cũng ban hành kế hoạch phát triển nông sản cho địa phương đến năm 2020 với mục tiêu chọn ra khoảng 20 sản phẩm để phát triển thương hiệu mới. Sau 2 năm, tỉnh đã thực hiện được một nửa kế hoạch, phần còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

Hải Phòng: Bảo hộ nhãn hiệu để phát triển kinh tế

Ông Đỗ Gia Khánh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng.

Ông Đỗ Gia Khánh - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng - cho biết, để triển khai chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố đến năm 2020, Hải Phòng đã cung cấp thông tin miễn phí cho các đơn vị xác lập, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước, hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ một số đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu bảo hộ ra nước ngoài, NHTT, nhãn hiệu chứng nhận.

Năm 2015, Hải Phòng đã tư vấn, hỗ trợ xác lập 34 NHTT cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề trong chương trình trên, hỗ trợ xác lập NHTT cho 11 sản phẩm đặc sản, làng nghề như: Cua bể, cá thu một nắng, mực một nắng của Cát Bà; bánh chưng, rau sạch, thịt nướng, chuối của huyện Thủy Nguyên…

Sở đang hỗ trợ triển khai dự án đăng ký CDĐL Vĩnh Bảo cho sản phẩm thuốc lào; tạo lập, quản lý nhãn hiệu chứng nhận “nếp cái hoa vàng Đại Thắng - Tiên Lãng”. Trong năm nay, sở cũng hỗ trợ xác lập NHTT cho 17 sản phẩm đặc sản làng nghề, hỗ trợ dự án ứng dụng sáng chế “Máy cứu ngải cầm tay và thuốc ngải dùng cho máy cứu ngải này”.

Sơn La: Xây dựng thương hiệu cho hàng loạt nông sản

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Sở KH&CN Sơn La.

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Sở KH&CN Sơn La - cho biết tỉnh đã triển khai hỗ trợ xác lập, phát triển tài sản trí tuệ cho các đặc sản địa phương, đăng ký bảo hộ quyền SHTT và tổ chức quản lý phát triển các CDĐL, NHTT, nhãn hiệu chứng nhận (như chè shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu, rau an toàn Mộc Châu, mật ong Sơn La…).

Theo chương trình Xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực Sơn La giai đoạn 2015-2020, trong năm 2017, tỉnh sẽ xây dựng thương hiệu cho 6 đặc sản gồm cá tầm, nhãn sông Mã, na dai, mơ Mộc Châu, mận hậu, rau củ. Với cá tầm, tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Cá tầm Việt Nam để được đầu tư, nhiệm vụ của sở KH&CN là hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Sơn La cũng đã lập ban chỉ đạo xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm địa phương do một phó chủ tịch tỉnh làm trưởng ban. Sở KH&CN sẽ mời các đơn vị tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sở công thương lo đầu ra. “Điều quan trọng đầu tiên là phải áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Các huyện thành lập HTX, chỉ những hộ tham gia mới được xây dựng danh mục sản phẩm. Khi xây dựng chuỗi giá trị, tỉnh phân công rõ ngành nông nghiệp làm gì, công thương làm gì, KH&CN làm gì… nên bước đầu đã cho hiệu quả. Người nông dân đã có ý thức về thương hiệu, hiểu rõ các quy định cần tuân thủ để đảm bảo đầu ra sản phẩm an toàn” - ông Đức nói.