Qua Báo Khoa học và Phát triển, ông Phạm Gia Tuấn (61 tuổi, Minh Khai, Hà Nội) muốn giới thiệu sáng kiến úm gà con bằng bộ lò sử dụng bếp than tổ ong và quạt gió ắcquy 12V xe máy. Trong số báo sau, chúng tôi sẽ đăng tải sự đánh giá của các chuyên gia về hệ thống này.

Thách thức của hộ chăn nuôi nhỏ

Là một người chăn nuôi, ông Phạm Gia Tuấn đánh giá giai đoạn úm (nuôi gà con từ khi mới nở đến 30 ngày tuổi) quyết định đến 80% sự thành bại của việc nuôi gà. Chuồng trại phải duy trì nhiệt độ 30-320C, không khí sạch. Điều này không dễ đảm bảo ở các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ dưới vài nghìn con.

Ông Phạm Gia Tuấn bên lò úm gà của mình. Ảnh: NV

“Bà con thường úm gà bằng bóng đèn điện, trong khi các vùng quê rất hay mất điện. Mùa đông mất điện, nếu người nuôi ngủ quên thì gà sẽ chết cả đàn. Nếu “cấp cứu” bằng cách đốt củi, gà sống sót vẫn nhiễm lạnh và sặc khói, khó phát triển tốt” - ông Tuấn nói và cho rằng, ngay cả nếu không mất điện, việc úm bằng bóng đèn cũng không hoàn hảo bởi bà con thường quây kín chuồng gà bằng bao tải dày để tránh thất thoát nhiệt, tiết kiệm điện, khiến gà thiếu ôxy, chậm lớn và dễ bệnh. Nếu không quây, họ phải dùng nhiều bóng đèn, rất tốn điện. Bóng đèn sợi đốt lại rất dễ cháy, nếu không biết sớm có thể gây tai họa cho đàn gà.

Các trang trại thường phòng mất điện bằng máy phát điện tự động nổ, nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ không đủ sức đầu tư.

Lò úm gà tiết kiệm, gọn nhẹ

Để khắc phục, ông Tuấn chế tạo lò úm gà bao gồm bếp than tổ ong, bộ phận thu nhiệt và quạt gió. Quạt gió giúp nhẹ nhàng đưa khí ấm đi khắp chuồng. Vấn đề thoát khí độc của lò than được giải quyết bằng ống gom khói và khí thải CO2 để dẫn ra ngoài. “Dùng lò này khi nhiệt độ ngoài trời 150C, tôi chỉ cần 3 viên than tổ ong cho 24 giờ liên tục là cấp đủ nhiệt lượng để quây úm 500 gà” - ông Tuấn khẳng định.

Khi mất điện, có thể câu dây điện từ ắcquy xe máy 12V ra, nối vào quạt của lò úm là đủ chạy 40 giờ. Nếu muốn chủ động hoàn toàn không phụ thuộc điện lưới, nên mua ắcquy lớn để sử dụng cho nhiều lò và lâu dài.