Dân trồng rau và hoa ở Đà Lạt, Lâm Đồng đang góp phần thay đổi hình dung của số đông người Việt Nam về vai trò của phòng thí nghiệm - vốn được coi là nơi thâm nghiêm, nghiên cứu những thứ cao siêu, xa vời.

Ở Đà Lạt có rất nhiều phòng thí nghiệm tư nhân được lập ra để trực tiếp sản xuất hàng hóa - đó là giống cây trồng. Việc nông dân tự tạo ra giống hoa cẩm chướng, đồng tiền, salem, khoai tây hay chuối… bằng công nghệ nuôi cấy mô tại chính phòng thí nghiệm của mình ngày càng phổ biến.

Vườn ươm tạo giống 3.500m2 của gia đình ông Huỳnh tại Đà Lạt. Ảnh: TH

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, chỉ tính sơ bộ trên địa bàn tỉnh có tới gần 20 cơ sở tư nhân lập phòng thí nghiệm riêng, chủ yếu đặt tại Đà Lạt. Số tiền đầu tư cho mỗi phòng thí nghiệm như vậy có thể lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đăng Huỳnh - sống ở phố Nguyễn Hữu Cầu, phường 12, thành phố Đà Lạt - là chủ một phòng thí nghiệm riêng và một vườn ươm giống rộng 3.500m2.

Chia sẻ với Báo Khoa học và Phát triển, ông Huỳnh cho biết phòng lab này đã được gia đình ông lập ra từ năm 1998. Bản thân ông sau khi tốt nghiệp khoa Sinh, Đại học Đà Lạt đã không đi tìm việc làm ở cơ quan nhà nước hay công ty nào đó mà trở về phát triển phòng thí nghiệm của gia đình, sản xuất các giống cây có giá trị kinh tế cao bằng công nghệ nuôi cấy mô.

“Phòng thí nghiệm của tôi rộng 80m2, được trang bị bắp cấy, lò hấp, hóa chất…, giá đầu tư hơn 300 triệu đồng. Với điều kiện này, tôi có thể sản xuất giống hoa cúc, khoai tây, chuối, dâu tây, cung ứng cho một số địa phương và một số mối ở ngoại thành” - ông Huỳnh chia sẻ.

Phòng thí nghiệm của ông Lê Văn Cường - người từng có thời gian công tác tại Phân viện Sinh học Đà Lạt, ở số 51B Nguyên Tử Lực, phường 8 - được xem là khá “hoành tráng” với vốn đầu tư 500 triệu đồng, nhân sự có 2 cử nhân và 4 sinh viên phụ tá. Phòng thí nghiệm này chuyên cung cấp giống dâu tây, khoai tây, cúc, salem nuôi cấy mô, có khoảng 400 khách hàng thường xuyên đến đặt hàng cây giống.

Ông Nguyễn Đăng Huỳnh cho rằng, so với phòng thí nghiệm của các viện nghiên cứu, trường đại học, điểm khác biệt của các phòng thí nghiệm do người dân Đà Lạt làm chủ là chỉ tập trung phục vụ sản xuất, trực tiếp đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, cụ thể là thị trường giống cho nông nghiệp.

“Hiện phòng thí nghiệm cũng giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định, trừ chi phí thì mỗi tháng dư ra được khoảng 30 triệu đồng để quay vòng sản xuất tiếp” - ông Nguyễn Đăng Huỳnh chia sẻ.