Thành phố Đà Nẵng cùng lúc định hướng phát triển thành thành phố khởi nghiệp và thành phố thông minh. Hai mục tiêu lớn có vẻ không liên quan này lại có một phạm vi tương tác đáng lưu ý, và chúng tôi gọi đó là “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với thành phố thông minh”.

Thành phố thông minh (smart city) và Thành phố khởi nghiệp (startup city) là hai thuật ngữ đang ngày càng phổ biến và được bàn luận sôi nổi ở khắp nơi trên thế giới. Nói đến thành phố thông minh là hướng đến một đô thị hiện đại nơi mà chất lượng cuộc sống của người dân luôn được bảo đảm và nâng cao và là nơi mà mức độ tương tác và tham gia của người dân luôn được chú trọng và tăng cường. Và bàn về một thành phố khởi nghiệp là hướng đến một hệ sinh thái khởi nghiệp ở cấp độ của một thành phố nơi mà cộng đồng khởi nghiệp có sự gắn kết và cộng hưởng cao nhất, và là nơi mà người khởi nghiệp, đặc biệt là người trẻ, được tạo điều kiện tốt nhất để hiện thực hoá các ý tưởng khởi nghiệp của mình.

Rút ngắn khoảng cách

Nếu như các địa phương khác còn đang trong giai đoạn khảo sát, tư vấn, thì thành phố Đà Nẵng đã có một số bước đi tiên phong. Cụ thể, năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên được Tập đoàn công nghệ IBM chọn là một trong 33 thành phố trên thế giới xây dựng thành phố thông minh. Tiếp đó, Đà Nẵng đã triển khai thành công hệ thống mạng đô thị (hệ thống mạng cáp quang và không dây) phủ khắp các đơn vị sở ngành và UBND các quận, huyện, phường, xã và đặc biệt nhất là Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử tập trung tích hợp nhiều dịch vụ công hỗ trợ người dân, cho phép họ tương tác trực tuyến.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã thí điểm sử dụng giải pháp điều hành trung tâm thông minh để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ người dân và hệ thống quản lý xe buýt thành phố cung cấp thông tin lịch trình xe buýt theo thời gian thực đến người dân.Tuy vậy, khoảng cách của Đà Nẵng nói riêng, và các thành phố của Việt Nam nói chung so với các thành phố thông minh trên thế giới vẫn là rất xa. Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông bao gồm kết nối không dây của các thành phố Việt Nam cần thêm nhiều thời gian để hoàn thiện.


Một thị trường “khủng”

Theo một báo cáo khảo sát năm 2015 được thực hiện bởi hãng nghiên cứu và phân tích thị trường Frost & Sullivain1, giá trị của thị trường “thành phố thông minh” toàn cầu sẽ vượt mức 1500 tỷ USD vào cuối năm 2020, trong đó, các nhóm lĩnh vực về chính quyền điện tử, giáo dục thông minh, ý tế thông minh và năng lượng thông minh chiếm tỉ trọng cao nhất. Điều này cho thấy thị trường “thành phố thông minh” tuy mới hình thành nhưng rất rộng lớn và đầy triển vọng.

Thị trường này không phải như nhiều người nghĩ là sân chơi dành riêng cho các tập đoàn, công ty lớn đa quốc gia như Intel, IBM, Cisco, Panasonic, Google hay như ở Việt Nam có Viettel, VNPT và FPT. Trái lại, cơ hội tham gia vào thị trường là rất rộng mở và chia đều cho tất cả các nhà cung cấp giải pháp thông minh.Có thể phân ra thành bốn nhóm vai trò khác nhau mà các nhà cung cấp có thể lựa chọn cho mình để tham gia vào thị trường “thành phố thông minh”:

1. Nhà cung cấp hạ tầng kết nối: cung cấp hạ tầng mạng truyền dẫn, lưu trữ và thu thập dữ liệu.

2. Nhà cung cấp nền tảng tích hợp hệ thống: cung cấp các nền tảng hệ thống hay khung kiến trúc thống nhất, chuẩn hoá và có khả năng tích hợp các giải pháp, các thiết bị thông minh riêng rẻ.

3. Nhà cung cấp công cụ quản lý, điều phối thông minh: cung cấp các hệ thống, công cụ quản lý, theo dõi và điều phối các giải pháp thông minh toàn diện trên quy mô lớn.

4. Nhà cung cấp giải pháp đặc biệt: cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giải quyết các vấn đề cụ thể và khi đó giải pháp cung cấp sẽ là một nút thông minh trong toàn hệ thống thông minh.

Nếu như các công ty lớn với thế mạnh về công nghệ (tập hợp nhiều công nghệ) và thế mạnh về vốn tập trung chủ yếu vào ba nhóm vai trò đầu thì các công ty nhỏ hơn, nhất là các công ty khởi nghiệp, dường như lại có xu hướng tập trung vào nhóm vai trò cuối cùng, nhóm cung cấp giải pháp đặc biệt, vì nhóm này không yêu cầu vốn đầu tư lớn nhưng đòi hỏi những giải pháp cụ thể, rõ ràng, hiệu quả và đột phá.

Trên thế giới, các công ty khởi nghiệp tham gia vào thị trường “thành phố thông minh” không phải hiếm. Danh sách các công ty này đang ngày càng được nới rộng thêm.

Ở Việt Nam, một số ít công ty khởi nghiệp công nghệ cũng đã bắt đầu hướng đến «thành phố thông minh». Trong số đó, tiêu biểu có Momo, Ahamove và Misfit: Momo cung cấp một giải pháp ví điện tử cho phép người dùng thanh toán không cần dùng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng mà chỉ dùng điện thoại di động thông minh có cài đặt ứng dụng momo (lĩnh vực kinh tế thông minh); Ahamove là ứng dụng đặt xe, cho phép giao hàng bằng xe máy và chuyển đồ bằng xe tải trong nội thành Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (lĩnh vực kinh tế thông minh); Misfit tạo ra các thiết bị y tế đeo tay hỗ trợ giám sát sức khoẻ cá nhân (lĩnh vực cuộc sống thông minh).


Khi chính quyền là khách hàng

Để theo đuổi mục tiêu thành phố thông minh, Chính quyền thành phố đã phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng (QĐ 1797/QĐ-UBND ngày 25/3/2014) trong đó chỉ ra các trụ cột lớn cần hoàn thiện và phát triển. Trong năm 2016, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, với sự tư vấn của các tập đoàn lớn về thành phố thông minh, triển khai soạn thảo các khung phát triển tổng thể, dài hạn cho một số các lĩnh vực ưu tiên.

Sự quan tâm của thành phố đối với cả hai mục tiêu thành phố thông minh và thành phố khởi nghiệp đã được khởi động với Hội thảo về thành phố thông minh và đổi mới sáng tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác Phần Lan thuộc Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong thời gian tới.Vì thế, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về thành phố thông minh tại Đà Nẵng có thể tranh thủ các quy định, chính sách hỗ trợ sắp đến; và có thể xem thành phố như là khách hàng ban đầu của các giải pháp của mình.

Một lợi thế lớn khác của thành phố Đà Nẵng đối với các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về thành phố thông minh cần phải nhắc đến chính là môi trường thử nghiệm tại đây. Thành phố mang đầy đủ đặc tính của một đô thị của Việt Nam với nhiều vấn đề tương tự như ở các thành phố lớn khác, tuy nhiên thành phố lại có một quy mô vừa phải với chỉ hơn 1 triệu dân với trình độ tương đối đồng đều, điều này rất phù hợp để thử nghiệm các giải pháp mới. Một giải pháp hiệu quả tại Đà Nẵng hoàn toàn và dễ dàng được nâng cấp để có thể áp dụng hiệu quả tại các thành phố lớn hơn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay thậm chí là các thành phố trong khu vực có nét tương đồng.

Những giải pháp “Made in Đà Nẵng”

Trong lúc chờ Đà Nẵng có được một khung chương trình tổng thể thúc đẩy và phát triển thành phố thông minh đi đôi với đổi mới sáng tạo, một số công ty khởi nghiệp và đơn vị đổi mới sáng tạo đã chủ động nghiên cứu và tự chủ phát triển các giải pháp cho thành phố thông minh mang thương hiệu “Made in Đà Nẵng”. Hai trong số những người tiên phong đó là Hekate và CENTIC.

Với thế mạnh là trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là nền tảng công nghệ chatbot, Hekate đã mạnh dạn đề xuất và được thành phố Đà Nẵng đồng ý cho phép ứng dụng chatbot vào phục vụ người dân và du khách đến với thành phố bắt đầu thử nghiệm với lĩnh vực du lịch và đang được đề nghị mở rộng ra với lĩnh vực thông tin dịch vụ công.

Khác với Hekate, CENTIC lại tập trung sâu vào công nghệ IOT. Đơn vị này có đến hai sản phẩm IOT đang được thí điểm tại Đà Nẵng hoàn toàn tự chủ nghiên cứu và triển khai với chi phí đầu tư xây dựng cũng như vận hành thấp hơn đáng kể so với các giải pháp cùng loại của những nhà cung cấp nước ngoài: (1) hệ thống camera giám sát trực tuyến và phát hiện tự động các trường hợp vi phạm hoặc tai nạn giao thông hoạt động kể cả ban đêm, (2) hệ thống quan trắc môi trường nước cho phép theo dõi chất lượng nước và cảnh báo mức độ ô nhiễm tại các sông, hồ trong thành phố.

Bây giờ, nếu bạn tới Đà Nẵng mà vô tình chạy xe hơi… phá cách, nhớ lên website của http://camera.centic.vn/ để xem mình đã bị… lên bảng phong thần chưa. Còn nếu muốn hỏi thông tin du lịch, ăn uống hay trò chuyện với robot Đà Nẵng, thì tải ứng dụng Danang Fantastic City.