Khu vực Phia Đén, Nguyên Bình (Cao Bằng) là vùng cao có khí hậu giống như SaPa, Đà Lạt; nhiệt độ trung bình năm là 18 độ C, rất thuận lợi cho việc canh tác rau, hoa... Việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế này để phát triển kinh tế địa phương.

Lợi thế về nông nghiệp an toàn

Cao Bằng là tỉnh nghèo ở khu vực miền núi phía Bắc, nhiều nơi có khí hậu lạnh - lợi thế so sánh để phát triển rau hoa ôn đới địa phương thành sản phẩm có giá trị hàng hóa kinh tế cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các loại cây này chưa được chú trọng phát triển, diện tích ít, năng suất thấp (toàn tỉnh chỉ có hơn 200 ha, tỷ lệ rau hoa ôn đới đủ tiêu chuẩn hàng hóa chỉ khoảng 30%). Các biện pháp kỹ thuật như cắt tỉa, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh chưa được người trồng áp dụng nên vườn rau, hoa đã trở thành vườn tạp, chủ yếu canh tác theo kiểu quảng canh.

Ở Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, rau còn được nhập về từ các địa phương khác như Thái Nguyên, Bắc Kạn. Rau sản xuất tại địa phương chỉ chiếm khoảng 60% sản lượng. Sản phẩm được người dân tự thu gom, sơ chế tại nhà bằng các biện pháp thủ công rồi mang đi tiêu thụ; việc sản xuất mang tính tự cung tự cấp là chủ yếu.

Thực tế này đang làm mất đi lợi thế của địa phương. Chính vì thế, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa ôn đới tăng thu nhập cho người dân khu vực Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng” thuộc chương trình "Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025 (chương trình Nông thôn - Miền núi) đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi tập quán canh tác cho người dân thông qua thực nghiệm và các mô hình. Qua đó, người nông dân nắm vững kỹ thuật hơn và chủ động trong quá trình sản xuất nhằm tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Rau bắp cải được dự án trồng tại Phia Đén cho năng suất, chất lượng cao
Rau bắp cải được dự án trồng tại Phia Đén cho năng suất, chất lượng cao.

Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Công ty TNHH xây dựng Miền Tây, đơn vị chủ trì thực hiện dự án - cho biết, dự ánđược triển khai từ tháng 9/2016 và ngay sau đó đã thực hiện trồng thí điểm đậu Hà Lan, súp lơ, bắp cải, hoa lily, layơn và tuylip.

Lợi thế của Phia Đén không chỉ là khí hậu mà còn canh tác theo kiểu nông nghiệp truyền thống của người dân, gần như không có sự tác động, ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật nên cơ bản đáp ứng các tiêu chí về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp ở đây được đánh giá rất cao về mặt chất lượng. Việc áp dụng công nghệ nâng cao sản lượng sẽ đem đến cơ hội cải thiện kinh tế cho bà con địa phương.

Đưa công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất

Với mục tiêu chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất một số loại rau an toàn theo VIETGAP, quy trình sản xuất hoa ôn đới chất lượng cao và xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo VIETGAP, mô hình sản xuất hoa ôn đới chất lượng cao, hiện dự án được triển khai với các mô hình là 10 ha, trong đó 8 ha mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và 2 ha cho mô hình hoa chất lượng cao.

Trên cơ sở các đề tài mà Trung tâm Nghiên cứu cây trồng ôn đới miền núi phía Bắc Việt Nam triển khai trong các năm trước, dự án đã lựa chọn giống và công nghệ phù hợp. Các loại rau như bắp cải, súp lơ, đậu Hà Lan… và các loài hoa như lily, lay ơn, tuy líp… được đưa vào trồng. Bà con được hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ chi tiết để đạt năng suất và chất lượng cao nhất. Từ việc chọn nguồn nước tới, công nghệ tưới, chọn giống, đất trồng, phân bón, cách phòng trừ sâu bệnh tới thu hoạch, sơ chế... đều được các cán bộ dự án hướng dẫn chi tiết.

Hoa lay ơn trồng trong vụ đầu phát triển tốt, cho năng suất cao.
Hoa lay ơn trồng trong vụ đầu phát triển tốt, cho năng suất cao.

Ông Ngọc cho biết, đến thời điểm này, dự án đã trồng thí điểm và thu hoạch một vụ rau, hoa.
“Mô hình đang được xây dựng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân Phia Đén. Chúng tôi đang chuẩn bị triển khai trong dân đồng loạt theo đúng tiến độ dự án đặt ra” – ông Ngọc cho biết.

Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, các hoạt động của dự án như đào tạo, tập huấn, hội nghị đầu bờ, hội nghị tổng kết đếu có sự tham gia của cán bộ lãnh đạo và nông dân của các huyện của tỉnh, cùng với cán bộ thuộc Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng.

Do vậy, sau khi kết thúc dự án, Sở KH&CN, Phòng NN&PTNT, UBND huyện và các ban ngành chức năng của tỉnh hoàn toàn có khả năng tổ chức triển khai nhân rộng mô hình sang các xã, huyện khác, hình thành nên vùng sản xuất rau, hoa ôn đới phát triển theo hướng hàng hóa.

Dự án sẽ kết thúc vào tháng 5/2019. Theo ông Ngọc, với những kết quả có được từ dự án, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển sản xuất rau, hoa ôn đới chất lượng cao thông qua việc liên kết sản xuất với người nông dân với quy mô 10-20 ha trồng rau, 5-10ha trồng hoa. Doanh nghiệp sẽ cấp giống, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho người dân, đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân, giúp người dân yên tâm ổn định và phát triển sản xuất với những cây trồng thế mạnh này.