Bưởi thanh trà quý giá với hương vị ngọt thanh đặc biệt - đặc sản Thừa Thiên - Huế - đã được phục tráng thành công nhờ công nghệ gene, thoát khỏi mối đe dọa mất giống do quá trình thoái hóa.

Giống bưởi thanh trà - đặc sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế - đã được phục tráng và lai tạo giống thành công. Ảnh: TB
Giống bưởi thanh trà - đặc sản của tỉnh Thừa Thiên - Huế - đã được phục tráng và lai tạo giống thành công. Ảnh: TB

Bưởi thanh trà (Citrus grandis (L.) Osbeck) là loài cây ăn quả đặc sản có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là giống bưởi ngon nổi tiếng, có vị ngọt thanh và mùi thơm rất đặc trưng.

Khoa học can thiệp kịp thời

Ông Trần Ngọc Nam - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế - cho biết, đứng trước nguy cơ mai một các nguồn gene quý trong tỉnh, sở đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ giúp xây dựng đề án khung cấp tỉnh về bảo tồn nguồn gene một cách chi tiết, cụ thể và hiệu quả.

Trong những nguồn gene cần bảo tồn có cây bưởi thanh trà với dự án: “Ứng dụng công nghệ sinh học trong phục tráng và phát triển cây bưởi thanh trà”.

Mục tiêu của dự án là tạo ra một lượng lớn cây giống sạch bệnh, phẩm chất tốt, năng suất cao, đáp ứng nhu cầu trồng cây bưởi thanh trà trên địa bàn tỉnh.

Bưởi thanh trà đã được trồng ở Thừa Thiên - Huế từ lâu đời, tập trung ở các huyện Hương Trà, Phong Điền, TP. Huế, Phú Vang... ThS Phạm Thị Dung thuộc bộ môn cây, Viện Bảo vệ thực vật - cơ quan phối hợp thực hiện đề tài kể trên - cho biết: Thực tế, trong quá trình trồng bưởi thanh trà, người dân đã sử dụng cây tạp, mắt ghép từ những cây bị bệnh, cây nhiều tuổi, chế độ chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh chưa được quan tâm đúng mức, làm mất dần gene cây quý.

Điều này đã dẫn đến tình trạng giống cây ngày càng bị thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng kém, đặc biệt là những vườn cây nhiều tuổi, ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu bưởi thanh trà.

Để cứu giống bưởi quý này, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn những cây còn sót lại trên địa bàn sử dụng làm nguồn gene, sau đó làm sạch bệnh và phục tráng.

“Với việc ứng dụng công nghệ sinh học, chúng tôi có thể can thiệp để phục tráng và bảo tồn gene quý. Hiện mẫu gene bưởi thanh trà đã được phục tráng thành công, lưu giữ tại Viện Bảo vệ thực vật. Viện đã tạo ra một lượng lớn cây giống sạch bệnh, phẩm chất tốt, năng suất cao, sẵn sàng cung cấp đủ cho nhu cầu phát triển cây đặc sản cho địa phương bất cứ lúc nào” - ThS Bình chia sẻ
.
Nhiều cây quý có nguy cơ mất giống

Theo ông Trần Ngọc Nam, Thừa Thiên - Huế là địa phương có sự đa dạng sinh học lớn, nhiều loài cây trồng và vật nuôi quý hiếm có phẩm chất cao, thích nghi với các điều kiện khó khăn.
Riêng các giống cây trồng nổi tiếng có giá trị cao trong tỉnh đã tạo thành một danh sách dài, ví dụ như gạo de An Cựu, gạo hẻo rằn, gạo nước mặn, gạo chiên, gạo hương cốm, gạo lốc, nếp Kỳ Sơn, sen Huế, quýt Hương Cần, quả dâu Truồi…. Tuy nhiên, những cây quý này đều đang đứng trước nguy mất giống do không chú trọng đến việc bảo tồn nguồn gene.

Tình trạng gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, khai thác ồ ạt thiếu quy hoạch và sự thâm canh nông nghiệp không hợp lý khiến nguồn gene động - thực vật đã và đang bị “xói mòn”, mất mát với tốc độ rất nhanh.

Chính vì vậy, Thừa Thiên - Huế xác định việc kịp thời bảo tồn, phục tráng và lưu giữ nguồn gene các cây, con quý trên địa bàn là nhiệm vụ cốt yếu và lâu dài.

“Cây bưởi thanh trà đã được phục tráng và bảo tồn thành công. Giờ chúng tôi có thể yên tâm không lo bị mất giống bưởi quý này. Tuy nhiên, việc bảo tồn các nguồn gene quý khác vẫn cần sự quan tâm đúng mức và đầu tư mang tính chất dài hạn” - ông Nam chia sẻ.

Ông Nam cho biết, việc bảo tồn nguồn gene cây, con quý cần rất nhiều nguồn lực bởi sau bảo tồn nguyên địa cần có cơ sở để lưu giữ: “Nếu không lưu giữ được nguồn gene mà chỉ dừng ở mức bảo tồn nguyên địa thì khả năng thoái hóa và bị lai tạp sẽ rất cao, tức là các cây cùng họ dần dần sẽ lai với nhau, gây thoái hóa giống”.

“Chính vì vậy, cần có cơ chế để địa phương phối hợp với các viện nghiên cứu lưu giữ các nguồn gene đã được bảo tồn và phục tráng thành công” - ông Nam nói.