Nhằm bảo tồn và phát triển cây huyết rồng lào Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát đã xây dựng quy trình nhân giống bằng phương pháp giâm hom.

Cây huyết rồng lào có tên khoa học Spatholobus suberectus Dunn, là loại cây dược liệu quý được sử dụng làm thuốc chữa đau bụng, thiếu máu, chân tay tê liệt, phong thấp…

Kết quả điều tra, khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng - Bộ Khoa học và Công nghệ tại Vườn quốc gia Pù Mát - tỉnh Nghệ An cho thấy, hiện số lượng cây dược liệu huyết rồng lào bảo tồn ngoài tự nhiên không còn nhiều do người dân khai thác ồ ạt đem bán cho Trung Quốc.

Cây huyết rồng lào được nhân giống bằng phương pháp giâm hom ở vườn quốc gia Pù Mát - Nghệ An. Ảnh: T. Hương
Cây huyết rồng lào được nhân giống bằng phương pháp giâm hom ở vườn quốc gia Pù Mát - Nghệ An. Ảnh: T. Hương

Trước thực trạng trên, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đã phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát để bảo tồn cây dược liệu quý. Theo đó, trên cơ sở chọn cây giống gốc, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình nhân giống bằng phương pháp giâm hom. Các cành được chọn làm cành hom có 2-3 năm tuổi. Cành hom được xử lý bằng thuốc kích thích sinh trưởng và được giâm ươm trong bầu đất đã được xử lý thuốc trừ nấm bệnh. Sau 3-4 tháng chăm sóc trong vườn giâm ươm, cành hom phát triển tốt thành cây giống. Cây giống đạt tiêu chuẩn được đem trồng dưới tán rừng thứ sinh.

Kết quả, đã có 10.000 cây giống được giâm ươm thành công từ cành hom huyết rồng lào. Trong đó, 7.000 cây đã được đưa ra trồng dưới tán rừng ở vườn thực vật của Vườn quốc gia Pù Mát.

Sau hai năm nghiên cứu thực nghiệm, đến tháng 4/2015, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhân giống thành công. Trong số 7.000 cây huyết rồng lào được trồng và chăm sóc ngoài vườn rừng, đa số đều đã sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống sót đạt 90%. Cây cao từ 0,83-1,61m và bắt đầu vươn cao bám lên cây trụ. Theo nhóm nghiên cứu, nếu điều kiện khí hậu thuận lợi - vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 mùa xuân tới - họ sẽ tiếp tục đưa 5.000 cây giống từ vườn ươm ra để trồng ngoài vườn rừng.
Sự phát triển tốt của cây huyết rồng lào là nền tảng để nhân rộng mô hình cây dược liệu quý này ở các vùng có điều kiện khí hậu tương tự, nhằm duy trì sự bền vững của hệ sinh thái, bảo tồn được nguồn gene quý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.