Là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Điện Biên, chè shan tuyết Tủa Chùa được đánh giá là không chỉ ngon mà còn sạch. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, năm nào chè Tủa Chùa cũng tồn kho đến 1/3 sản lượng dù con số thu hoạch được không nhiều.

Chè cổ thụ, sạch 100%

Điện Biên là vùng trồng chè shan tuyết (tuyết trên núi cao - búp chè khi thu hoạch có một lớp màu xám trắng trông như tuyết phủ) nổi tiếng với những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi. “Cây chè đã theo người Mông du canh, du cư đi khắp nơi. Ở vùng họ sinh sống, chỗ có 5-10 cây, chỗ vài chục cây chè tồn tại từ đời này qua đời khác. Người già cũng không biết những cây chè có từ bao giờ, bởi họ sinh ra đã thấy trong vườn nhà” - ông Cao Văn Đắp - trưởng chi nhánh trại giống nông nghiệp, Công ty CP giống nông nghiệp Điện Biên - nói.

Ông Đắp cho biết: “Chè Tủa Chùa được trồng hữu cơ, sạch 100%. Bà con người Mông không dùng bất cứ loại phân hay hóa chất nào. Nước chè thường có hương cốm thoang thoảng, màu vàng óng như mật ong, vị chát đậm. Nước tuy không xanh bằng chè shan tuyết vùng khác nhưng có vị ngọt hậu và thơm lâu sau khi uống. Ngoài ra, khi pha cùng một tỷ lệ nước, trong khi chè vùng khác chỉ uống 2-3 lần là nhạt thì chè Tủa Chùa uống được 4-5 lần. Có người uống cả buổi sáng hết phích nước mà vẫn đặc”.

Búp chè Shan Tuyết mới hái.

Bà Vũ Ngọc Ánh - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa - cho biết chè shan tuyết được trồng tập trung ở 4 xã Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải với tổng diện tích khoảng 577,4ha. Toàn huyện có khoảng 8.000 cây cổ thụ chiếm khoảng 30ha, còn lại là chè cây cao mới trồng theo dự án phát triển của tỉnh 2 năm gần đây.

Mỗi năm, toàn huyện thu hoạch được khoảng 80 tấn chè búp tươi, tương ứng với 13-14 tấn chè khô. Giá bán dao động từ 200.000-500.00 đồng/kg. “Những hộ gia đình có diện tích trồng chè từ 0,5ha trở lên thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, không nhiều gia đình có diện tích như vậy. Là cây đặc sản nhưng do diện tích trồng không lớn, năng suất không cao nên chè shan tuyết chưa thể trở thành cây thoát nghèo của bà con người Mông Tủa Chùa” - bà Ánh nói.

Khó bán vì không có thương hiệu

Theo ông Cao Văn Đắp, hiện Công ty cổ phần giống nông nghiệp Điện Biên là đơn vị phụ trách thu mua, chế biến và tiêu thụ đến hơn 90% lượng chè của bà con Tủa Chùa. Tuy sản lượng chỉ đạt từ 13-14 tấn/năm nhưng trong 2 năm trở lại đây, năm nào công ty cũng ế hàng.

“Năm 2015, chúng tôi tồn khoảng 4 tấn chè, đến sau Tết mới tiêu thụ hết. Chè của năm 2016 hiện vẫn còn trong kho. Về thị trường tiêu thụ, địa bàn huyện Tủa Chùa chiếm khoảng 50%, còn lại là các địa phương khác như Điện Biên, Hà Nội, TPHCM...” - ông Đắp nói và cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khó tiêu thụ. Trước hết là chè Tủa Chùa ít được ưa thích ngay trong lần uống đầu tiên; bởi để cảm nhận được vị ngon ngọt của nước chè, cần có thời gian nhâm nhi thay vì uống một cách vội vàng. Thứ hai, chè Tủa Chùa cũng chưa được giới thiệu, quảng bá nhiều, gần như chưa có thương hiệu nên ít người biết.

Đồng bào người Mông trèo lên cây chè cổ thụ tại xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa để hái lá. Ảnh: Ma Văn Chính

Về phía phòng nông nghiệp huyện Tủa Chùa, bà Vũ Ngọc Ánh cho biết, từ năm 2010, chè shan tuyết Tủa Chùa đã nhận được sự hỗ trợ xây dựng thương hiệu của dự án JICA nhưng chưa hiệu quả. “Cái khó hiện nay là chè Tủa Chùa vẫn chưa đăng ký được nhãn hiệu. Để quảng bá sản phẩm, huyện thường đem tới các hội chợ xúc tiến thương mại giới thiệu là chính. Vì tiêu thụ khó khăn nên sau 2 năm mở rộng diện tích, đến nay huyện Tủa Chùa đã dừng việc này để tìm đầu ra” - bà Ánh cho biết.

Mong mỏi của ông Đắp và bà Ánh - những người đang trực tiếp gắn bó với cây chè - là đẩy mạnh thương hiệu chè shan tuyết Tủa Chùa để tăng giá trị và mở rộng thị trường cho cây đặc sản ngon, sạch này của Điện Biên.