UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, chế biến và tạo sản phẩm đặc sản từ cây huyền tinh (tên khoa học là Tacca leontopetaloides (L.) Kuntze, Taccaceae).

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh, phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, chế biến và tạo sản phẩm đặc sản từ cây huyền tinh (tên khoa học là Tacca leontopetaloides (L.) Kuntze, Taccaceae).

Đề tài do Đại học Bách khoa TPHCM chủ trì, PGS-TS Lê Thị Kim Phụng làm chủ nhiệm, được thực hiện trong vòng 24 tháng (từ tháng 4/2017 đến tháng 4/2019).


Cây huyền tinh là một loại cây có củ, tự mọc như cỏ dại dưới tán rừng. Cây xanh tốt vào mùa mưa và tàn lụi vào mùa nắng. Từ xa xưa, người dân An Giang đã phát hiện loài này. Họ lấy củ để nấu ăn thử thì thấy có độ dẻo như khoai cao nhưng hậu đắng. Nhiều người dùng củ này xay lấy bột để làm bánh hoặc nấu chè thì ăn rất ngon và mát.

Nhóm thực hiện đề tài sẽ nghiên cứu thực trạng canh tác, khai thác, sử dụng củ huyền tinh và đề xuất xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cho các sản phẩm từ cây huyền tinh An Giang; nghiên cứu sản xuất bột từ củ huyền tinh và đánh giá khả năng dùng bột huyền tinh làm tá dược trong sản xuất dược phẩm; nghiên cứu sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột củ huyền tinh; nghiên cứu khả năng sử dụng thân, lá cây huyền tinh; nghiên cứu đa dạng các sản phẩm truyền thống từ bột củ huyền tinh kết hợp phát triển du lịch tại địa phương theo định hướng người tiêu dùng…

Theo Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, sau khi đề tài nghiên cứu thành công, Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang, UBND huyện Tịnh Biên và các tổ chức, cá nhân khác nếu có yêu cầu sẽ tiếp nhận kết quả này theo quy định hiện hành.