Đó là chia sẻ của nhà báo Hà Hồng - Trưởng ban Khoa giáo của Báo Nhân Dân, người có hơn 30 năm viết về KH&CN - khi so sánh lĩnh vực này với các mảng văn hóa, kinh tế, xã hội.
Cái khó xuất hiện ngay từ khâu tham gia các hội thảo. “Nhiều khái niệm, vấn đề có cảm giác như lần đầu tiên được nghe. Rất nhiều vấn đề chuyên sâu mà ngay cả các nhà khoa học nếu không dành cả đời nghiên cứu cũng không hiểu rõ, nên việc nắm bắt đối với phóng viên không hề dễ” - ông Hồng nói.
Đa phần phóng viên được đào tạo báo chí chính quy không có kiến thức chuyên môn sâu về một lĩnh vực khoa học cụ thể. Trong khi đó, khoa học có vô số lĩnh vực chuyên môn và phóng viên đều phải “xung trận” khi cần, từ vấn đề năng lượng nguyên tử, hạt nhân đến vấn đề biến đổi gene hay khoa học vũ trụ… đều phải nắm bắt và chuyển tải thành thông tin mà độc giả có thể tiếp thu.
Hiểu và diễn giải chính xác, dễ hiểu chỉ mới là yêu cầu cơ bản, chưa giúp bài báo thoát khỏi tình trạng khô cứng, vô hồn. “Tôi khắc phục tình trạng này bằng cách đưa vào bài nỗi niềm của con người, những khát khao sáng tạo, cống hiến, câu chuyện cuộc đời của họ, đón bắt tâm tư nguyện vọng của họ” - ông Hồng cho biết.
Còn cái khổ, theo ông Hà Hồng là phải xuống tận nơi, tìm gặp rất nhiều người để hiểu rõ vấn đề. Đây là công việc của mọi phóng viên, nhưng người viết về KH&CN sẽ phải vất vả hơn do vấn đề chuyên môn. “Bằng mọi cách, phóng viên phải hiểu vấn đề đó, nếu không hiểu thì phải tìm hỏi các chuyên gia. Không thể đưa người đọc vào ma trận của một bài viết, một mớ kiến thức không được bản thân tiêu hóa kỹ”.
Trưởng ban Khoa giáo Báo Nhân Dân cho rằng, chất lượng đội ngũ viết về KH&CN của Việt Nam thấp hơn các nước phát triển và các nước trong khu vực. Ở một số nước, các phóng viên công nghệ thông tin sẽ dành 3 năm để học về công nghệ thông tin và 1-2 năm sau đó học viết về mảng này; còn ở Việt Nam, phóng viên phải tự nâng cao năng lực của mình thông qua các buổi toạ đàm, tiếp cận các vấn đề thời sự của KH&CN.
Hải Minh (ghi)