Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng chàng sinh viên đam mê sáng chế Ngô Huỳnh Ngọc Khánh của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đã nắm trong tay bảng thành tích "khủng" các giải thưởng.

Mê chơi game từ lớp 1

Ngay từ khi học cấp 2, Khánh đã đạt nhiều giải thưởng về sáng tạo. Vừa qua máy cắt lazer nghệ thuật của Khánh cũng được chọn để trình bày trước Tổng thống Obama, vậy ai là người đã truyền niềm đam mê sáng chế cho Khánh?

Mình bắt đầu chơi game khi còn học lớp 1 và chơi một cách điên cuồng. Ba mình bắt mình học Word và Excel để bớt chơi đi nhưng không có hiệu quả. Vậy mà năm lớp 7 thấy anh hai làm web, mình thích quá. Mình bắt anh hai chỉ cho bằng được, từ đó mình làm quen với các ngôn ngữ lập trình, viết code… và bắt đầu làm các sản phẩm của riêng mình.

Đó là lúc bắt đầu niềm ham thích sáng chế còn khi bắt tay vào làm thì ba là người đã giúp đỡ mình rất nhiều. Công việc của ba chuyên về cơ khí nên có thể nói ba như một “trợ thủ” đắc lực giúp mình gia công các sản phẩm cho gọn gàng đẹp mắt. Nếu không có những người đỡ đầu như ba với anh hai thì mình không thể nào đi nhanh trên con đường sáng tạo này được.

Máy cắt lazer nghệ thuật Ảnh: NVCC
Máy cắt lazer nghệ thuật Ảnh: NVCC

Ý tưởng máy cắt lazer nghệ thuật (kLazerCutter) được hình thành từ đâu?

Lúc đầu bạn gái làm Kirigami (nghệ thuật cắt giấy truyền thống của Nhật Bản) để tặng mình nên mình cũng mày mò học theo. Nhưng khi cắt giấy, tay mình cứ lóng nga lóng ngóng nên quyết định tạo ra một cái máy có thể cắt giấy, từ đó máy kLazerCutter ra đời.

Những sản phẩm đầu tiên mình đưa cho bạn gái bán, vì bạn ấy đang kinh doanh về Kirigami (cười). Tuy nhiên hàng không bán chạy lắm do các mẫu hơi đơn giản. Mình đang ấp ủ dự định cải tiến máy kLazerCutter, thay vì chỉ có một màu như bây giờ thì các sản phẩm Kirigami sẽ có nhiều màu xen kẽ với các họa tiết trang trí đẹp mắt hơn.

Chàng sinh viên khoa Công nghệ thông tin Ngô Huỳnh Ngọc Khánh Ảnh: BT
Chàng sinh viên khoa Công nghệ thông tin Ngô Huỳnh Ngọc Khánh Ảnh: BT

Nhiều người thường khư khư giữ ý tưởng của mình sợ người khác biết, còn Khánh lại chia sẻ thoải mái và còn hướng dẫn cụ thể cách làm các sản phẩm của mình, Khánh có thể giải thích lý do không?

Theo mình nghĩ nhiều người không muốn chia sẻ ý tưởng vì hai lý do: thứ nhất do họ sợ hướng dẫn mọi người đọc không hiểu rồi quay lại trách móc. Thứ hai những bài của họ viết ra mọi người không biết đến, không tiếp cận được. Lâu dần họ cảm thấy nản vì cho rằng mình có chia sẻ cũng không ai hiểu, không ai làm thì chia sẻ làm gì.

May mắn là những bài viết của mình được đón nhận rộng rãi. Thông qua việc chia sẻ của mình thì mình mong muốn truyền được một chút cảm hứng về sáng tạo cho mọi người, đồng thời đây cũng là cách để nâng cao thương hiệu cá nhân, cũng như ghi điểm với các nhà tuyển dụng sau này.

Từng cho mình là “số 1”

Trong bài hướng dẫn làm máy kLazerCutter của Khánh có đoạn “khi làm dự án bạn nên nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, anh chị, nếu có thể thì cả thú cưng của bạn”, Khánh có thể cho biết nhờ thú cưng giúp đỡ ở đây là như thế nào?

Thật ra đó là câu chuyện của mình. Nhà mình có nuôi một con mèo, lâu lâu nó chạy lại kêu “meo meo” rồi nhảy lên đùi mình. Khi làm việc căng thẳng quá, mình thường nựng nó, vuốt ve nó rồi mới tiếp tục làm dự án.

Đó cũng là một cách viết cho mọi người dễ đón nhận. Như cũng trong bài hướng dẫn này, mình kể các công đoạn làm việc của mình dưới dạng một trang nhật kí. Việc viết như vậy giúp mình nhớ chính xác những công việc mình đã làm cũng như giúp các bạn khác dễ hình dung.


Một đoạn nhật kí “làm việc” của Khánh Ảnh: chụp màn hình
Một đoạn nhật kí “làm việc” của Khánh Ảnh: chụp màn hình

Khánh được nhiều người biết đến khi nhận được nhiều giải thưởng giá trị khi mới học cấp 2; việc “nổi tiếng” quá sớm đó có khi nào khiến Khánh tự kiêu không?

Có chứ! Năm lớp 8 mình đạt giải Nhất cấp tỉnh rồi giải Nhì cấp Quốc gia về phần mềm sáng tạo, đó là điều mình không thể tin được. Rồi mình nghĩ mình giỏi, mình là số 1. Rồi năm lớp 9, khi phần mềm quản lý lớp học của mình đem tham dự một cuộc thi bị loại, mình ngạc nhiên lắm. Tại sao mình giỏi vậy mà lại thất bại? Những suy nghĩ tiêu cực đó cứ quẩn quanh trong đầu óc và 3 tháng liền mình không thể nghĩ ra một điều gì mới.

Sau đó mình đọc được quyển sách “Suy nghĩ tích cực, bạn chính là những gì bạn nghĩ”, mình thấy như ông tác giả kia đang viết cho mình. Và mình ngộ ra rằng sản phẩm của mình bị loại do thiếu sót chứ mình không giỏi như mình tưởng. Rồi rút kinh nghiệm cho những lần sau, không tỏ ra “nguy hiểm” như vậy nữa. Sau này đạt các giải thưởng mình luôn mặc định là do mình gặp may mắn. Cái suy nghĩ thành công do ăn may chứ không phải do năng lực khiến mình có động lực để cố gắng hơn, để còn cơ hội phát triển hơn trong tương lai.

Khánh có đang ấp ủ một dự án nào không?

Mình và anh hai đang có một dự định startup về nông nghiệp thông minh. Những người làm muối dựa vào thời tiết để thu hoạch muối. Nếu biết trời sắp mưa thì họ sẽ huy động lực lượng để cào muối, chứ mưa xuống là xem như mất trắng. Vì vậy mình muốn làm một cái máy có thể dự báo chính xác được mưa trước khoảng 3-4 tiếng trong một khu vực nhất định để giúp họ. Nghĩ ra được cái này là do mình chứng kiến bà ngoại mình nhiều lần không thu hoạch muối kịp do trời mưa.

Cảm ơn Khánh về buổi trò chuyện hôm nay!