“Chính phủ cần trình Quốc hội sửa Luật Đất đai để gỡ bỏ hạn điền trong nông nghiệp, nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính đúng với mục tiêu Chính phủ hành động: Giảm, bỏ những khó khăn về thủ tục thuế và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”.

Đó là kiến nghị của ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, Chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp của diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017 (VPSF 2017) với Thủ tướng sáng 31/7.

Xem lại hệ thống sản xuất nông nghiệp

Dẫn thực tế nông nghiệp là ngành kinh tế có xuất siêu duy nhất trong 6 tháng đầu năm 2017 với giá trị nông sản ước đạt 9,1 tỷ USD, ông Báo cho rằng “đó thực sự là lợi thế của đất nước”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 6/2017 ước đạt 2,97 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu lên 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD - tăng 15,4%. Con số này lần lượt là 3,5 tỷ USD - tăng 14,1% đối với thuỷ sản, 3,8 tỷ USD - tăng 12,8% đối với các mặt hàng lâm sản chính.

Mặc dù vậy, chủ tịch nhóm công tác nông nghiệp vẫn băn khoăn về vấn đề thị trường cho nông nghiệp. Đã không ít lần, người nông dân rơi vào cảnh được mùa mất giá, liên tục cần “giải cứu” và gần đây nhất là chuyện “giải cứu lợn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gõ búa tại diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017, thể hiện sự đoàn kết thống nhất cao. Ảnh: Quang Hiếu

Ông Báo cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là hệ thống sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường: “Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến thị trường. Mấy chục năm trước đổi mới, chúng ta chưa có đủ lương thực để ăn, chưa hội nhập, chưa có trình độ khoa học và công nghệ (KH&CN) như ngày nay, cũng chưa có đội ngũ doanh nhân, chưa có khái niệm doanh nhân và doanh nghiệp; nhưng bây giờ chúng ta phải xem lại hệ thống sản xuất nông nghiệp. Phải xác định xây dựng lại, lấy doanh nghiệp làm chủ thể. Quan điểm này cũng rất phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5. Bởi vì chỉ có trên nền tảng đó mới phát triển được nền kinh tế của đất nước”.

Doanh nhân này cũng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp khi muốn có 100ha đất để sản xuất nông nghiệp phải thỏa thuận với 1.000 hộ dân. Sự trở ngại này đối với quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ được giải quyết nếu doanh nghiệp chỉ phải ký kết với hợp tác xã. “Riêng việc in giấy tờ lưu trữ cũng đã rất nặng nề, thêm vào đó, nhiều nông dân cầm hợp đồng nhưng không hề đọc” - ông Báo phản ánh và kiến nghị bỏ hạn điền trong nông nghiệp.

Nhân rộng nông nghiệp công nghệ cao

Tại diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2017, ông Nguyễn Hoàng Anh - Tổng Giám đốc Công ty đầu tư thủy sản miền Trung - cũng chỉ thêm nhiều điểm nghẽn như công tác thị trường trong nông nghiệp còn yếu: “Tôi thấy nông nghiệp và nông dân Việt Nam rất đáng thương, sản xuất khó khăn, thương mại nhiều rào cản nên sản phẩm rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cách làm thị trường hạn chế, không có chính sách định hướng làm ra sản phẩm thị trường có nhu cầu. Việc xúc tiến cũng bất hợp lý, xúc tiến thị trường một cách hình thức, ít nghiên cứu, không lấy hiệu quả làm thước đo, lại chồng chéo; từ bộ, hiệp hội đến doanh nghiệp mạnh ai nấy làm”.

Theo ông Hoàng Anh, giải pháp cho vấn đề này là Chính phủ xây dựng cơ chế hợp tác công tư bắt buộc trong chính sách thương mại; nâng cao năng lực chinh phục thị trường khu vực và thế giới cho nông sản Việt Nam. Chính phủ cần chỉ đạo hình hành các khu canh tác kiểu mẫu, tạo câu chuyện cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Trước kiến nghị của khối doanh nghiệp nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức có ý kiến. Ông đồng ý rằng chính sách hạn điền đang bó hẹp, làm khó doanh nghiệp song cũng nêu một số địa phương đã rất sáng tạo trong cách thực hiện, giúp đảm bảo quyền của nông dân trong khi vẫn mở rộng được hạn điền như Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng... “Họ không chờ sửa đổi Luật Đất đai vẫn làm được” - Thủ tướng nói và cho biết sẽ trình Quốc hội về vấn đề mở rộng hạn điền.

Về việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, Thủ tướng cũng chỉ rõ, hiện Chính phủ đã có chủ trương cho vay 100.000 tỷ đồng nhưng trong thời gian qua chỉ giải ngân được 20.000-30.000 nghìn tỷ đồng; điều đó chứng tỏ thủ tục còn khó khăn. “Ngành ngân hàng nên tiếp thu vấn đề này để sắp tới làm tốt hơn” - Thủ tướng chỉ đạo.

Đồng ý với quan điểm cần tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở giải quyết các vấn đề căn cơ, không để xảy ra tình trạng được mùa mất giá, Thủ tướng giao ngay Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong năm 2017.