Ấn Độ đang lên kế hoạch đưa thiết bị thăm dò đổ bộ lên Mặt Trăng, lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia này, vào năm 2018.

Lần gần nhất một quốc gia đưa thiết bị lên Mặt Trăng là vào năm 2013 khi Trung Quốc sử dụng xe thám hiểm tự hành Thỏ Ngọc (Yutu) để nghiên cứu và khảo sát bề mặt nơi đây.

Đến nay, Ấn Độ tuyên bố sẽ gia nhập hàng ngũ những cường quốc từng chinh phục được Chị Hằng khi Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) dự kiến sẽ đưa tàu và thiết bị thăm dò lên đây vào cuối tháng 3/2018, dự án được đặt tên "Sứ mệnh Chandrayaan-2".

Tham vọng đổ bộ lên Mặt Trăng của Ấn Độ. Ảnh: CNN.
Tham vọng đổ bộ lên Mặt Trăng của Ấn Độ. Ảnh: CNN.

Trong tiếng Hindi, “Chaand” là từ chỉ Mặt Trăng, do đó Chandrayaan mang nghĩa là “xe Mặt Trăng” hay “hành trình Mặt Trăng”. Đây là dự án thăm dò Mặt Trăng tham vọng nhất của chính phủ Ấn Độ từ trước đến nay.

Năm 2008, Ấn Độ đã từng phóng tàu Chandrayaan-1 từ đảo Sriharikota, tàu mang kích thước 1,5 m×1,5 m và có chi phí phóng ước đạt khoảng 83 triệu USD.

Sau khi ra ngoài vũ trụ và bay theo quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng, tàu đã phát hiện thấy dấu hiệu của magma tại một miệng núi lửa.

Tuy nhiên, đến ngày 14/11/2008, Chandrayaan-1 bất ngờ bị mất tín hiệu liên lạc và đâm xuống bề mặt Mặt Trăng trước khi được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tìm thấy vào năm 2016.


ISRO đang chuẩn bị 3 phương tiện quan trọng nhất cho chuyến đi sắp tới, bao gồm: một tàu vũ trụ có khả năng bay theo quỹ đạo Mặt Trăng để lập bản đồ chi tiết nơi đây dưới dạng 3D, một tàu đổ bộ và một xe thám hiểm tự hành có thể di chuyển linh hoạt nhằm thực hiện nhiệm vụ khảo sát thành phần đất, đá trên bề mặt Mặt Trăng.

Theo ước tính của Nature, ISRO sẽ tiêu tốn khoảng 93 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ cho chương trình thám hiểm này.

Chandrayaan-2 chỉ là một trong những dự án tham vọng mà ISRO dự kiến sẽ thực hiện trong vòng vài năm tới.

Ngoài ra, ISRO cũng đang tiến hành “Aditya”, một dự án khác để nghiên cứu về Mặt Trời, đồng thời phóng vệ tinh XpoSat để tìm hiểu về bức xạ vũ trụ.