Không nên chạy lên tầng quá cao cũng đừng xuống quá thấp mà chỉ nên chạy cách tầng cháy khoảng 2 đến 3 tầng để lực lượng chữa cháy có thể hỗ trợ tốt nhất.

Trao đổi nhanh với Khoa học và Phát triển, Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, trong trường hợp gặp cháy người dân trước hết cần bình tĩnh để xác định điểm cháy và tìm phương án ứng phó trước khi lực lượng chức năng đến hỗ trợ.
Theo đó ông Thiều cho rằng, khi phát hiện cháy người dân cần bình tĩnh kiểm tra cửa nhà mình xem cháy đã tới chưa bằng cách chạm tay vào cửa và mở hé từ từ. Nếu thấy phía ngoài chưa có khói nên thoát nhanh ra ngoài và tới khu vực cầu thang thoát hiểm để đi xuống. Vì khi xảy ra sự cố cầu thang máy sẽ không hoạt động nữa.
Trong trường hợp thấy cửa nhà nóng tức là cháy đã lan tới rất gần thì tốt nhất là ở trong nhà và lấy các vật liệu dẫn nước ra cửa để không cho lửa xâm nhập vào phòng. Nếu tìm lối thoát khi đó chỉ ra hướng ban công hoặc các ô thoáng của toà nhà (khu vực phơi quần áo...) để lánh nạn. Sau đó dùng các vật sáng màu để vẫy, báo động để lực lượng chức năng biết và cứu hộ.
"Thực sự bình tĩnh, không hoảng loạn và phải chờ lực lượng chức năng đến. Kể cả khi mở cửa thấy khói nhiều cũng không chạy ra vì nếu ra ngậm phải khói độc sẽ ngất ngay, nguy hiểm đến tính mạng", đại tá Thiều cảnh báo.
Khi gặp hoả hoạn người dân cần bình tĩnh, tìm cách lánh nạn và báo hiệu để lực lương chức năng giải cứu
Khi gặp hoả hoạn người dân cần bình tĩnh, tìm cách lánh nạn và báo hiệu để lực lương chức năng giải cứu
TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch hoạt hóa điện hóa và Đèn tiết kiệm điện năng, cũng lưu ý, trong các sự cố cháy nổ, khói là một trong những lý do chính khiến nhiều người thiệt mạng. Lý do là vì rất nhiều khí độc sẽ được sinh ra CO2, CO, amoniac, axit hữu cơ... trong đó, CO2 và CO là nguyên nhân chính gây tử vong.
"Khi hít phải quá nhiều loại khí này, nạn nhân có thể bị ngộ độc cấp tính. Ngoài ra, các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy, do đó nạn nhân chết trong các vụ cháy phần nhiều là do cố gắng vùng vẫy trong cơn hoảng loạn, làm cho ngộ độc ập đến nhanh chóng. Vì vậy khi gặp cháy người dân cần nhanh chóng cách ly với khói độc bằng cách thấm khăn ướt và hít thở qua đó", TS Khải gợi ý.
Một điểm quan trọng khi hoả hoạn xảy ra tại các khu chung cư thời gian qua lực lượng chức năng rất khó khăn để tiếp cận với nạn nhân do thang cứu không tới được tầm cao. Trong khi đó thông thường khi gặp sự cố cháy chung cư người dân sẽ có một tâm lý chung đó là hoảng loạn và chạy lên tầng cao nhất.
Song giới chuyên môn cho rằng, ở tầng càng cao sẽ càng nhiều khói và nguy cơ tử vong cao, hơn nữa dây thang sẽ không lên đến tầng các tầng cao. Chính vì vậy cần giữ tâm lý người dân được bình tĩnh để thoát ra khỏi đám cháy.
Quan trọng hơn khi cháy ở khu chung cư người dân không nên chạy xuống tầng dưới hoặc chạy lên tầng cao quá mà chỉ nên chạy cách tầng cháy từ 2-3 tầng, ví dụ cháy tầng 8 nên chạy lên tầng 10 tầng 11, đây là vị trí tầng đảm bảo nhất để lực lượng Phòng cháy chữa cháy có thể cứu được người dân. Lý do chạy chỉ từ 2 đến 3 tầng do chiều dài tối đa của dây thang là 73m, trung bình 3 mét một tầng, vì thế thang chỉ lên đến khoảng tầng thứ 23.
Hiện trên thị trường cũng có rất nhiều thiết bị phòng cháy chữa cháy dành cho gia đình vì vậy người dân có thể mua về để dự phòng như: Mặt nạ PCCC, quần áo PCCC, bình chữa cháy, nón bảo hộ, găng tay PCCC... Một trong những thiết bị tiện dụng nhất đó là dây hạ chậm người dân có thể tự đu dây xuống mặt đất dễ dàng hơn.
Bí quyết thoát ra khỏi đám cháy: bình tĩnh, nằm sát đất, trườn bò, che mặt lại và không hít khói.Khi một người có dấu hiệu bị ngạt khói, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có khói quá dày đặc. Sau đó, tìm cách làm thông thoáng đường hô hấp bằng cách hô hấp nhân tạo.