Tại “Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam” sáng 31/7, thông qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp, 65% trong hơn 1.000 đại biểu là doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đã lựa chọn chính phủ hành động. Con số lần lượt là 24% và 11% với chính phủ liêm chính và chính phủ kiến tạo.

"Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam” (VPSF 2017) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điều hành và có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành. Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ là Thứ trưởng Phạm Đại Dương.

Trước khi bước vào đối thoại, khối doanh nghiệp tư nhân tham gia một khảo sát bằng cách trả lời câu hỏi: Trong các thông điệp của Chính phủ là chính phủ liêm chính, chính phủ kiến tạo và chính phủ hành động, doanh nghiệp chọn thông điệp nào? Bình luận về kết quả, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT - cho rằng kết quả này đúng như mong đợi của các doanh nghiệp.

Hoan nghênh kết quả thăm dò tại hội trường với đa số mong muốn chính phủ hành động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, với 25 hội nghị xúc tiến đầu tư, hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp và những buổi làm việc chuyên đề về nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, phát triển ngành tôm…, tính bình quân không có ngày nào Chính phủ và Thủ tướng không làm việc với doanh nghiệp, về chủ đề doanh nghiệp. Từ đó, một loạt cải cách thể chế, chính sách pháp luật đã được ban hành. Những tồn tại, vướng mắc của nền kinh tế được nhận diện và xử lý. Môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin doanh nghiệp có xu hướng cải thiện rõ nét.

Thủ tướng điều hành diễn dàn VPSF 2017 sáng 31/7.
Thủ tướng điều hành diễn dàn VPSF 2017 sáng 31/7.

Thủ tướng cũng nêu quan điểm: “Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân. Những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện để làm”.

Nhắc lại câu nói của đại văn hào Mark Twain với đại ý “20 năm sau bạn sẽ hối hận về những gì không làm hơn là những gì bạn đã làm; hãy tháo dây, nhổ neo ra khơi để đến bến đỗ an toàn và để cánh buồm của bạn đón trọn lấy gió”, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam "ra khơi" mạnh mẽ hơn.

VPSF 2017 có chủ đề "Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5". Diễn đàn chọn một chuyên đề chung và 3 chuyên ngành (nông nghiệp, du lịch và kinh tế số) để tiến hành đối thoại giữa Chính phủ cùng đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương và khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu thẳng thắn nêu những khó khăn trong thủ tục hành chính, đề xuất gỡ bỏ hạn điền trong nông nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn cho thành phố thông minh…


Lắng nghe các ý kiến, trực tiếp đối thoại, trả lời những vấn đề doanh nghiệp quan tâm và chỉ đạo các bộ, ngành trả lời cho doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng chính phủ kiến tạo, đồng hành với doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương cũng như cam kết của Chính phủ đối với các bạn”.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn rập khuôn, thiếu chuẩn mực; không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên 50-60% GDP. Doanh nghiệp nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, tập trung hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch… thay vì chỉ chú trọng phục vụ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp.

“Doanh nghiệp cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu ở các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…" - Thủ tướng yêu cầu.

Mục tiêu đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành trung ương liên quan lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam; giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý những vấn đề dài hạn; luôn đồng hành với doanh nghiệp, xem những khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của bộ, ngành mình. Công tác quản lý phải đi kịp sự phát triển, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết là thể chế chính sách phải phù hợp, sửa đổi kịp thời hơn.