Sau hai năm triển khai thí điểm “Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh” tại Quận 1 và 12, ngày 14/2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị để tiếp tục triển khai đề án này tại 24 quận, huyện trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND Quận 1, cho biết, Quận 1 đã triển khai mô hình Trung tâm điều hành đô thị thông minh tích hợp 8 hệ thống, gồm: camera an ninh thông minh; phòng cháy chữa cháy thông minh; quản lý đô thị thông minh; quản lý giáo dục thông minh; y tế thông minh; du lịch thông minh; dịch vụ công trực tuyến; điều hành an toàn thông tin mạng. Việc tích hợp các hệ thống thông minh này giúp Quận nâng cao khả năng giám sát, xác định sớm những hành vi vi phạm hành chính về trật tự đô thị, dịch vụ du lịch,... và hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý, điều hành, xử lý các công việc trên địa bàn.

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tại Q1, TPHCM         Ảnh: PL
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh tại Q1, TPHCM. Ảnh: PL

Đồng thời, Quận 1 cũng nâng cấp dịch vụ công trực tuyến “Tiếp nhận đăng ký không giấy” các lĩnh vực kinh tế, lao động, tư pháp, đô thị, nội vụ và dịch vụ trực tuyến đăng ký tuyển sinh đầu cấp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đến nay, Quận đã triển khai được 9 dịch vụ công trực tuyến với 41 thủ tục hành chính công và 3 dịch vụ tiện ích.

Theo ông Dũng, với thủ tục dịch vụ công trực tuyến được rút gọn, người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh, máy tính để “đăng ký giải quyết thủ tục hành chính” và gửi các thành phần hồ sơ theo yêu cầu, mà không phải nộp bất kỳ giấy tờ liên quan. Các hồ sơ sẽ được phòng chuyên môn in sẵn, chuyển đến người dân ký xác nhận, cùng với kết quả được giải quyết qua bưu điện.

Trong khi đó, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND Quận 12, cho biết, không chỉ đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến với 18 thủ tục ở nhiều lĩnh vực khác nhau, Quận còn triển khai Phần mềm quản lý hồ sơ hành chính (eHSHC), cho phép người dân theo dõi quy trình xử lý hồ sơ ở từng công đoạn và nắm bắt kết quả giải quyết một cách tức thời. Quận cũng xây dựng trang web, facebook, zalo,... để tương tác với người dân trong việc tiếp nhận ý kiến, phản ánh các vấn đề trong thực tiễn.

Công nghệ GIS được ứng dụng trong quản lý
Công nghệ GIS được ứng dụng trong quản lý đô thị. Ảnh: SGGP

Ngoài ra, nhằm giám sát biến động sử dụng đất và phát hiện các công trình xây dựng không phép, Quận 12 đã xây dựng, ứng dụng ảnh viễn thám và GIS trong quản lý đô thị, tài nguyên môi trường. Quận sử dụng ảnh độ phân giải siêu cao từ vệ tinh kết hợp ứng dụng GIS để phân loại, tách đối tượng công trình xây dựng, đánh giá biến động của công trình xây dựng so với dữ liệu quy hoạch, so sánh biến động giữa hai thời điểm thu nhận ảnh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, cho rằng, mỗi một quận, huyện có đặc thù khác nhau nên việc triển khai đô thị thông minh rất đa dạng. Để triển khai thành công đề án, các quận huyện cần xác định rõ hiện trạng và nhu cầu cụ thể của địa phương để xây dựng kế hoạch phù hợp.

Lãnh đaọ UBND TPHCM chủ trì Hội nghị      Ảnh: KP
Lãnh đaọ UBND TPHCM chủ trì Hội nghị Ảnh: KP

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đánh giá cao kết quả thí điểm của đề án được hai quận triển khai trong hơn 2 năm qua. Những kết quả này là cơ sở quan trọng để Thành phố triển khai, mở rộng đề án ra tất cả quận, huyện trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu đến giữa 3/2020, các quận huyện phải xây dựng xong Đề án các quận, huyện trở thành đô thị thông minh phù hợp với đặc thù của từng quận, huyện. Trong đó xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực, lộ trình và điều kiện thực hiện. Đồng thời, các quận, huyện phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân hiểu đầy đủ và đồng thuận trong việc thực hiện đề án.