Đó là một trong những nhận định chính được đưa ra trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất”.

Hội thảo công bố báo cáo nói trên đã được Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam và Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức tại Hà Nội vào sáng 8/5.

Đây là năm thứ 10 Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam được thực hiện.

Báo cáo năm nay gồm 7 chương do PGS. TS Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR) và GS. TS. Ohno Kenechi (Nhật Bản) đồng chủ biên.

Bản báo cáo tiếng Việt đầy đủ dự kiến sẽ xuất bản vào tháng 9/2018.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành giới thiệu nội dung chính của Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2018. Ảnh: Quốc Hùng.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành giới thiệu nội dung chính của Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2018. Ảnh: Quốc Hùng.

Nội dung của báo cáo tập trung vào vấn đề năng suất lao động của Việt Nam dưới góc nhìn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực trong nước hiện nay.

Nhóm tác giả tập trung vào bốn vấn đề chính: (1) đặc điểm của năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, (2) mức độ tăng lương và năng suất lao động, (3) quyết định tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề của lao động trẻ, (4) thúc đẩy năng suất thông qua hội nhập thị trường lao động quốc tế.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện hội nhập.

Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ASEAN

Theo số liệu tính toán của nhóm nghiên cứu, năng suất bình quân của Việt Nam tăng lên từ 38,64 triệu đồng/lao động/năm lên mức 60,73 triệu đồng/lao động/năm trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2017.

"Mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tương đối cao, nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp khi so sánh với năng suất lao động bình quân của các các nhóm nước phân chia theo thu nhập (nhóm nước thu nhập thấp, trung bình thấp, trung bình cao)", TS Thành nhận định.

Năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực ASEAN, kể cả khi so sánh với Campuchia, đặc biệt là trong các ngành chế biến chế tạo, xây dựng và logistics. Đây là điểm đáng lo ngại cho nền sản xuất nội địa trong tương lai. Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam lại có năng suất cao hơn nhiều quốc gia trong ba nhóm ngành: (1) Khai mỏ và khai khoáng, (2) Tài chính, bất động sản, (3) Dịch vụ văn phòng, dịch vụ cộng đồng, xã hội, cá nhân.

Năng suất tăng lên nhờ chuyển dịch cơ cấu ngành

Việt Nam muốn phát triển bền vững trong dài hạn thì vấn đề năng suất lao động phải được ưu tiên cải thiện hàng đầu. Theo các tác giả của báo cáo, trong một thập niên gần đây, năng suất lao động của Việt Nam chủ yếu tăng lên nhờ dịch chuyển cơ cấu ngành.

Chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ làm tăng năng suất lao động, tuy nhiên, sự dịch chuyển này lại làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Bà Lan cho biết, quy mô doanh nghiệp cũng là một tác nhân ảnh hưởng đến năng suất lao động. Doanh nghiệp có quy mô lớn thì năng suất lao động sẽ cao hơn so với quy mô nhỏ. Ở Việt Nam, khoảng 97 – 98% các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là năng suất lao động nhìn chung không thể cao được.

Thậm chí trong thời gian vừa qua, số doanh nghiệp tại Việt Nam tăng lên nhưng quy mô doanh nghiệp giảm xuống. Trong giai đoạn 10 năm, quy mô doanh nghiệp giảm đi đúng bằng một nửa từ năm 2002 đến năm 2012. Khi doanh nghiệp nhỏ đi, thì năng suất lao động rất khó để tăng lên nhanh chóng.

Theo báo cáo, Việt Nam cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động trong các ngành, đồng thời đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.