Đây là thông tin được công bố trong tọa đàm “Thảo luận về nhu cầu hỗ trợ hoạt động SHTT và thành lập bộ phận hỗ trợ SHTT&ĐMST trong trường đại học, viện nghiên cứu” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức vào ngày 21/6 vừa qua.

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, kể từ khi triển khai mạng lưới TISC (bắt nguồn từ Dự án TISC - các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo của Tổ chức SHTT thế giới WIPO) vào năm 2010 đến nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu của giai đoạn đầu tiên là tăng số lượng đơn và bằng sáng chế của các viện trường. Cụ thể, thống kê từ năm 2011-2020 cho thấy số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam có xu hướng tăng, trung bình từ 10-19%. Đặc biệt là trong năm 2020, tỉ lệ đơn đăng ký sáng chế tăng cao nhất từ trước đến nay, đạt mức 29%.

Mục tiêu của dự án TISC là hỗ trợ tiếp cận thông tin KH&CN, thông tin sáng chế và các dịch vụ liên quan. Sự hỗ trợ hiệu quả của TISC đã thu hút nhiều viện, trường và doanh nghiệp tham gia. Vào năm 2010, mới chỉ có 3 thành viên nhưng đến năm 2022, đã có gần 60 viện trường (bao gồm chính thức và dự bị).

Trong giai đoạn tiếp theo, mạng lưới TISC sẽ chuyển sang mức độ hỗ trợ cao hơn, tập trung vào thương mại hóa và quản trị tài sản trí tuệ cho các viện trường và doanh nghiệp.