Ngày 11/12, tại Vĩnh Phúc, Bộ KH&CN phối hợp Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thường niên về phát triển Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực (Diễn đàn) bắt đầu từ năm 2021.


Toàn cảnh Diễn đàn.

Thúc đẩy các chính sách KH&CN có tính đột phá

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế.

Để đáp ứng yêu cầu xây dựng các hành lang pháp lý cho các hoạt động nghiên cứu KHCN&ĐMST, trong nhiệm kỳ này, Bộ KH&CN đã đăng ký trình Quốc hội 5 luật: Luật KH&CN, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã “đặt hàng” Bộ KH&CN nghiên cứu sự cần thiết để xây dựng Luật vũ trụ Quốc gia trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 kế thừa có chọn lọc quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Cụ thể Chiến lược mới này bổ sung nội hàm về ĐMST, là cầu nối đưa KH&CN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Trong xu thế của toàn thế giới ngày nay, KH&CN gắn liền với sản xuất kinh doanh, gắn với quá trình thương mại hóa kết quả tạo thành một chuỗi KHCN&ĐMST. Mục tiêu trong 10 năm tới, ngành KH&CN sẽ đóng góp 45 - 50% vào chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP); Đạt tối thiểu 45% tỉ trọng giá sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo; Đến năm 2030, đầu tư cho KH&CN đạt 1,5% - 2% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1% - 1,2% GDP và đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu và phát triển chiếm từ 65% - 70%. Phấn đấu đến năm 2030, số doanh nghiệp đạt tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN và số doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tăng khoảng 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp...

Quá trình xây dựng các văn bản pháp luật này “rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học công tác tại 2 Viện Hàn lâm, 2 Đại học Quốc gia, là các đầu mối quản lý KHCN&ĐMST lớn nhất của đất nước. Sự tham gia từ sớm của các nhà khoa học, các nhà quản lý chắc chắn sẽ cung cấp được nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp các chính sách này gần gũi hơn với cuộc sống, mang lại hiệu quả chung cho ngành, cũng như cho sự phát triển của KT-XH”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết. Vì vậy, Diễn đàn được kỳ vọng là nơi chia sẻ, bàn bạc về việc thử nghiệm các chính sách có tính đột phá cùng thống nhất trình Chính phủ phủ xem xét, ban hành; là nơi tập hợp nguồn nhân lực để hình thành và giải quyết các bài toán lớn cho đất nước.
Đề xuất cơ chế hợp tác
Là đơn vị dẫn đầu về số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích (410) trong khối Viện nghiên cứu và Trường đại học tại Việt Nam, đại diện Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam khẳng định, để đổi mới sáng tạo thành công thì người lãnh đạo, quản lý cũng phải là người có tư duy đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Chính vì vậy cần tạo điều kiện, động lực cho các nhà khoa học, công nghệ nghiên cứu, đổi mới. Kết quả của nhiệm vụ luôn phải gắn với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao giá trị của công nghệ.

Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2022.

Đại diện này cũng nêu quan điểm của Viện, đổi mới sáng tạo có tính liên ngành do đó cần thành lập Hội đồng đổi mới sáng tạo Quốc gia do Thủ tướng làm chủ tịch Hội đồng; nhà nước cần giao quyền Sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu; cần xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ các spin-off tại các Viện nghiên cứu và Trường đại học lớn. Đặc biệt cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù (sandbox) với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn.

Nhằm đề xuất mô hình, tư vấn cơ chế chính sách cho phát triển KHCN&ĐMST, Trưởng ban KH&CN, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh Lâm Quang Vinh đề xuất cần đầu tư tập trung các lĩnh vực có tiềm lực và thế mạnh; Tiếp tục đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh/ Trung tâm xuất sắc nghiên cứu liên ngành để làm chủ công nghệ nền; Định hướng phát triển liên kết đại học – doanh nghiệp theo kinh nghiệm quốc tế; Định hướng phát triển khởi nghiệp gắn với môi trường học thuật; Cần xây dựng hạ tầng kinh tế số về giáo dục, y tế. Về phía các trường đại học, cần xây dựng lộ trình để có chất lượng đào tạo cũng như sản phẩm nghiên cứu khoa học cao cũng như cùng nhau giải quyết các bài toán của đời sống kinh tế xã hội đang đặt ra.

Đồng quan điểm trên, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất cơ chế hợp tác phát triển KHCN&ĐMST để cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của ngành, đất nước như cùng thực hiện các nhiệm vụ lớn mang tầm quốc gia; xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu dùng chung về KH&CN; hệ thống Phòng thí nghiệm trong các lĩnh vực, các sản phẩm công nghệ tiềm năng; thí điểm các cơ chế chính sách về phát triển hợp tác giữa khối hàn lâm và doanh nghiệp, thí điểm thu hút nhân tài ĐMST, thí điểm về khoán chi KH&CN đến sản phẩm cuối cùng….

Đại diện doanh nghiệp, “Nhà sáng chế” Trịnh Đình Năng cũng đóng góp ý kiến, để phát triển KHCN&ĐMST, đất nước phải có sản phẩm công nghệ dẫn dắt. Nhà nước cần quan tâm hơn, có cơ chế hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các nhà sáng chế không chuyên, như bản thân ông và các nhà sáng chế không chuyên khác luôn được Bộ KH&CN đồng hành, hỗ trợ về kinh phí và cơ chế chính sách để phát triển các sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã trình bày những vấn đề quan trọng về phát triển KHCN&ĐMST và phát triển nguồn nhân lực từ quy mô địa phương đến quốc gia, từ các tổ chức đào tạo đến các tổ chức nghiên cứu hàng đầu, từ những vấn đề vướng mắc cụ thể đến các vấn đề về cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng KHCN&ĐMST...

“Với trách nhiệm là đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để tiếp thu các vấn đề đã được trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị ngày hôm nay, cũng như các vấn đề liên quan nhằm cụ thể hóa Chương trình phối hợp bằng những hành động thiết thực, từng bước góp phần khẳng định vai trò động lực quan trọng của KHCN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các cơ quan tham dự cũng đã cùng nhau ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn tới nhằm gắn kết giữa các cơ quan, tiến tới có những hoạt động phát huy sức mạnh, tiềm lực chung để góp phần giải quyết các vấn đề của quốc gia và lan tỏa sự liên kết này đến các thành phần rộng rãi hơn. Chương trình nhằm tư vấn chính sách, định hướng giải pháp phát triển KHCN&ĐMST và nguồn nhân lực; chia sẻ thông tin về thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu…; xây dựng các mô hình liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu, đào tạo hàng đầu đất nước để phát huy sức mạnh chung cùng giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia.