Cho rằng năm 2019 sẽ khó hoàn thành các mục tiêu và nội dung của toàn bộ Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ", ông Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Văn phòng Chương trình này - vừa đề xuất kéo dài thời hạn thực hiện.

Tại hội thảo “Quản lý chuyên môn và tài chính các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Chương trình Tây Nam Bộ”, do Văn phòng Chương trình Tây Nam Bộ tổ chức ngày 21/10 tại TPHCM, ông Phạm Ngọc Minh chia sẻ, cuối năm 2015, các nhiệm vụ KH&CN mới được phê duyệt. Vì vậy, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã đề nghị Bộ KH&CN phê duyệt gia hạn chương trình đến năm 2020.

Từ năm 2015 đến nay, 34 nhiệm vụ KH&CN của Chương trình Tây Nam Bộ đã được phê duyệt thực hiện, bước đầu đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ. Điển hình như nhiệm vụ:Xây dựng các phương pháp công nghệ hiện, tối ưu để sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm biomass (trấu) theo hướng sản xuất năng lượng bền vững; ứng dụng giải pháp bê tông cốt phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu; nghiên cứu ứng dụng công nghệ plasma lạnh để xử lý nước sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản vùng Tây Nam Bộ; xây dựng mô hình nuôi tôm bền vững tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên kiểm soát và xử lý nước ao tôm bằng vật liệu và công nghệ nano…

Đây là những đề tài gắn với sản xuất và đời sống, một số nhiệm vụ đã có sản phẩm đăng ký bảo hộ về sở hữu trí tuệ như bê tông cốt phi kim.

Ông Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Văn phòng Chương trình Tây Nam bộ
Ông Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Văn phòng Chương trình Tây Nam bộ

Theo ông Minh, quản lý hoạt động KH&CN của Chương trình Tây Nam Bộ là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo cho sự thành công của chương trình. Đây là nhiệm vụ mới và có những khó khăn khi đổi mới cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là thay đổi cơ chế quản lý từ đề xuất nhiệm vụ sang đề xuất đặt hàng và những qui định về quản lý tài chính. Tuy nhiên, chương trình đã bám sát và vận hành theo quy định, từ đó giải quyết được các nhiệm vụ KH&CN cần thiết và cấp bách của các địa phương.

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, chương trình vẫn còn những vướng mắc về phối hợp tác nghiệp giữa các bên liên quan trong công tác quản lý. Các quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN chưa thực sự nhịp nhàng, đồng bộ để vận hành và cùng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn,vướng mắc trong việc thực hiện các khâu của quy trình quản lý các nhiệm vụ KH&CN. Ngoài ra, việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN của chương trình còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, kế hoạch đến năm 2019 sẽ tổng kết, nhưng chương trình sẽ còn nhiều khó khăn, bấp cập và khó có khả năng hoàn thành đầy đủ các mục tiêu, nội dung và sản phẩm.

Trong thời gian tới, ông Minh kiến nghị, cần có cơ chế cho phép chương trình liên kết với các chương trình quốc gia khác, các dự án hợp tác quốc tế có liên quan để lồng ghép nội dung, huy động nguồn lực cho nghiên cứu và ứng dụng KH&CN; đồng thời, phối hợp với các địa phương trong công tác định hướng, đề xuất đặt hàng và ứng dụng các thành quả nghiên cứu, các thành tựu KH&CN.

Ngoài ra, ông Minh cũng kiến nghị cho phép chương trình xây dựng cơ chế riêng trong việc triển khai phối hợp thực hiện các nhiệm vụ hợp tác quốc tế và phê duyệt cho gia hạn thời gian thực hiện đến năm 2020.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN về hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toàn kinh phí, Thông tư liên tịch số 27/TTLT-BKHCN-BTC về quy định khoán chi đối với nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; hướng dẫn xây dựng báo cáo định kỳ, tiến độ, xác nhận khối lượng công việc, sản phẩm của đề tài, quy định đấu thầu mua sắm thiết bị…