Tại lễ khai trương Hệ thống Chia sẻ và Giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất các cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng ưu tiên sử dụng các sản phẩm ‘Make in Vietnam’ để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.”

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa khai trương Hệ thống Chia sẻ và Giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử vào Ngày An toàn thông tin Việt Nam, 29/11.

Hệ thống này được các thành viên trong Liên minh xử lý mã độc và phòng chống tấn công mạng gồm Viettel, VNPT, CMC, FPT, BKAV cùng phối hợp xây dựng. Các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử sẽ luôn là mục tiêu chính của các tin tặc nhằm phá hoại, thu thập, lấy cắp thông tin. Do đó, Hệ thống giúp giám sát, phân tích thông tin từ đó chia sẻ và đưa ra cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ điện tử.

Nhấn mạnh “Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đồng thời tin tưởng rằng “Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những doanh nghiệp lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.”

“Cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng ưu tiên sử dụng các sản phẩm ‘Make in Vietnam’,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói tại lễ khai trương. “Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp tiên phong nhằm phát triển Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.”

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh “Make in Việt Nam” là "chiến lược quan trọng liên quan đến tương lai, vận mệnh Việt Nam. Đó là chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam”.

Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang tập trung thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam. Các giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được kết nối và chia sẻ với “Hệ thống Chia sẻ và Giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (SoC quốc gia) thuộc Cục An toàn thông tin.

Đến nay có 31 Bộ, ngành, địa phương đã kết nối kỹ thuật thành công với SoC quốc gia. Sau thời gian thử nghiệm 6 tháng, khi chính thức được đi vào hoạt động, “Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin phục vụ Chính phủ điện tử” sẽ tiếp tục triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.