Sự bùng phát của dịch Covid-19 liên quan đến một loại virus corona bắt nguồn từ dơi hoang dã và lây truyền sang người thông qua một động vật trung gian, trong đó tê tê - loài có vú bị buôn lậu nhiều nhất - bị coi là nghi phạm hàng đầu.

Loài động vật có vú ẩn dật và sống về đêm này bị giết để lấy thịt và vảy dùng để làm thuốc ở cả châu Á và châu Phi. Thịt tê tê hoang dã được coi là đặc sản và được bày bán tại nhiều chợ tươi sống – khả năng cao đây là những địa điểm virus bắt đầu lây lan.

Tang vật vụ án vận chuyển 215 cá thể tê tê Java tại khu vực vành đai biên giới gần Mốc 477 biên giới Việt - Lào, thuộc thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, tháng 10/2019. Nguồn: kiemsat.vn.

“Tê tê không gây nguy hiểm cho con người trong sinh cảnh của chúng nhưng khi bị buôn lậu, giết mổ và bán ở các chợ bất hợp pháp cùng các loài hoang dã khác thì nguy cơ lây truyền virus và các mầm bệnh khác sẽ tăng đáng kể”, Giám đốc điều hành Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) Ghada Waly nói. Theo WHO, đa số bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện có nguồn gốc từ động vật và được truyền sang người.

"Để bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn chặn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tiếp theo, nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cần phải bị chấm dứt," ông Ghada Waly nhấn mạnh.

Kể từ khi được đưa vào Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) hồi tháng 10/2016, tất cả các loài tê tê đã được bảo vệ ở mức độ cao nhất theo luật quốc tế. Nhưng bất chấp điều đó, tê tê vẫn là loài bị buôn bán nhiều nhất thế giới. Từ năm 2014 đến 2018, có khoảng 370.000 cá thể tê tê bị thu giữ trên phạm vi toàn cầu. Do số vụ điều tra được chỉ chiếm một phần nhỏ, có thể phỏng đoán, hàng triệu cá thể tê tê đã bị buôn lậu và giết chết.

Nghiên cứu của UNODC cho thấy nguồn gốc tê tê bị tịch thu chủ yếu ở Tây Phi và Trung Phi. Số vụ buôn lậu bị bắt giữ có nguồn gốc từ châu Phi và hướng đến các thị trường châu Á tăng gấp 10 lần từ năm 2014. Đặc biệt, theo nguồn tin từ các thương nhân, tội phạm buôn lậu tê tê thường sử dụng chính các tuyến đường phục vụ buôn lậu ngà voi để xuất nhập khẩu vảy tê tê. Và dường như những tội phạm buôn lậu ngà voi cũng liên quan đến buôn bán vảy tê tê.

Nguồn:

UNODC, PanNature