Công ty khởi nghiệp Space Perspective có trụ sở tại Mỹ đang lên kế hoạch đưa hành khách trả phí và các thiết bị nghiên cứu lên tầng bình lưu bằng khoang tàu điều áp gắn với khinh khí cầu.

Ảnh: Space Perspective.
Ảnh: Space Perspective.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2021.

Khoang tàu mang tên Spaceship Neptune có thể chứa 1 phi công và 8 hành khách. Bên trong khoang có ghế ngồi, quầy rượu, phòng vệ sinh và cửa sổ lớn cho phép hành khách quan sát nền đen của vũ trụ và độ cong của Trái đất.

Spaceship Neptune sẽ bay lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở Florida nhờ một khinh khí cầu khổng lồ cao 200m chứa đầy khí hydro. Khoang tàu mất khoảng 2 giờ để lên đến độ cao tối đa 30.000m. Sau đó, nó bay 2 giờ trong tầng bình lưu trước khi hạ cánh xuống biển và được tàu thu hồi kéo vào bờ để tái sử dụng, tương tự tàu Crew Drgon của công ty SpaceX. Tổng thời gian bay kéo dài khoảng 6 giờ.

Taber MacCallum, giám đốc điều hành của Space Perspective, tiết lộ giá vé cho mỗi hành khách đăng ký du lịch không gian bằng khinh khí cầu khoảng 125.000 USD.