Một nghiên cứu mới của Đại học Cambridge (Anh) cho thấy, độ nguy hiểm của virus có thể tăng 10 lần nếu lây nhiễm vào buổi sáng.

Những người ngủ nướng sẽ ít nguy cơ bị lây nhiễm virus hơn. Ảnh: Dennisbenson
Những người ngủ nướng sẽ ít nguy cơ bị lây nhiễm virus hơn. Ảnh: Dennisbenson

Nguyên nhân là do sự tương tác đặc biệt giữa cơ chế phát triển của virus và cơ thể động vật. Virus là những cá thể nhỏ độc lập chỉ có thể nhân rộng bằng cách lây nhiễm một tế bào chủ. Trước khi thực hiện được điều này, chúng thiếu nhiều yếu tố để có thể coi là cá thể sống.

Trong khi đó, cơ thể con người có nhịp sinh học với chu kỳ khoảng 24 giờ. Trong chu kỳ này, các chức năng cơ thể hoạt động mạnh hay yếu tùy vào thời điểm. Trong nghiên cứu kể trên, các nhà khoa học xem xét một gene được gọi là Bmal1 hoạt động cao điểm vào buổi chiều ở cả chuột lẫn người.

Kết quả là vào ban ngày, khi cơ thể hoạt động tích cực, virus dễ dàng lây nhiễm cho cơ thể. Khi cơ thể ít hoạt động, virus khó lây hơn. Điều thú vị là virus hoạt động đặc biệt hiệu quả khi đồng hồ sinh học của chuột bị gián đoạn.

“Điều này cho thấy công nhân làm ca đêm vài ngày trong tuần sẽ dễ nhiễm bệnh do virus do đồng hồ sinh học bị phá vỡ” - TS Rachel Edgar, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Nhóm hy vọng công trình khoa học này sẽ giúp ích cho việc kiểm soát sự bùng phát virus gây bệnh nguy hiểm, chẳng hạn như virus Ebola ở Tây Phi hay virus Zika ở Mỹ Latinh.