Việc lạm dụng điều hòa sẽ gia tăng các bệnh về hô hấp như viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, đau họng... nguy cơ dẫn đến hen suyễn mãn tính, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Thời tiết nắng nóng khó chịu, các gia đình thường xuyên sử dụng điều hòa làm mát. Tuy nhiên việc sử dụng chúng thế nào cho đúng không phải ai cũng biết.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) từng cho biết, "Trời nắng nóng làm sức đề kháng của trẻ bị giảm sút. Vì vậy, khi trẻ ở trong điều hòa nhiều sẽ có nguy cơ ủ bệnh cao hơn những trẻ thường xuyên hoạt động ngoài trời. Mặt khác, nhiệt độ lạnh và khô có thể gây khô da, viêm da, mất nước, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gây nên các bệnh viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên".

su dung dieu hoa the nao de tranh viem mui, viem phe quan cho con? hinh anh 1

Lạm dụng điều hòa sẽ làm gia tăng các bệnh về hô hấp. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết các bậc phụ huynh cần thường xuyên vệ sinh điều hòa, ít nhất một tuần một lần và nên thay lọc gió từ 3 đến 6 tháng một lần. Phụ huynh cũng nên lưu ý thường xuyên mở cửa sổ đổi gió để đảm bảo trao đổi đối lưu giữa không khí trong và ngoài nhà.

"Nên mở máy sau 1-3 giờ thì tắt máy, sau đó mở cửa sổ cho không khí trong phòng thoát ra ngoài để không khí từ ngoài đi vào trong. Cần tận dụng nhiều gió tự nhiên làm giảm nhiệt độ trong phòng, sẽ tốt cho sức khỏe của trẻ hơn", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Dưới đây là một số gợi ý cách sử dụng điều hòa nhằm tránh các bệnh:

- Tránh sự thay đổi đột ngột

Khi ở ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không vào phòng có nhiệt độ quá lạnh ngay. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên lau khô mồ hôi cho bé, để bé ngồi 1 lúc sau đó mới cho bé vào phòng có điều hòa.

Khi muốn ra ngoài, nên tắt điều hòa, mở cửa phòng 1 lúc để thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Sau đó mới ra khỏi phòng.

Trong những ngày thời tiết nắng nóng, nên hạn chế ra vào phòng có điều hòa liên tục để tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột.

- Để nhiệt độ hợp lý

Tùy vào tình hình thời tiết, công suất điều hòa, diện tích phòng mà điều chỉnh nhiệt độ điều hòa cho thích hợp. Mức chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ ngoài trời càng ít càng tốt. Không nên để quá lạnh bởi như thế vừa tốn điện mà lại không tốt cho sức khỏe. Còn nếu để nhiệt độ cao quá thì tác dụng làm lạnh lại không hiệu quả. Nhiệt độ lý tưởng nhất nên ở 27 – 28 độ C.

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngoài trời và trong phòng khoảng 7 – 8 độ C là phù hợp với sự thích ứng của cơ thể trẻ. Đặc biệt, trẻ sơ sinh chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt như những trẻ lớn hơn, đặc biệt là những trẻ sinh thiếu tháng thì khả năng điều hòa thân nhiệt cho cơ thể càng kém hơn.

- Không nên ở phòng điều hòa quá lâu

Ngoài giấc ngủ ban đêm bật điều hòa liên tục, thời gian còn lại trong ngày, không nên ở phòng máy lạnh khoảng hơn 4 giờ liên tục.

- Vệ sinh điều hòa và vệ sinh phòng

Việc vệ sinh máy điều hòa và phòng ốc cũng vô cùng quan trọng, việc làm này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, nấm mốc lưu trú trong phòng, trong máy điều hòa.

Khi không bật điều hòa nữa thì phải mở hết cửa sổ, cửa phòng để cho không khí lưu thông.

Sử dụng điều hòa khi ngủ

- Nên tránh hướng điều hòa thổi thẳng vào mặt, đầu vì dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng.

Với trẻ, khi ngủ hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Cần chọn cho trẻ những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt như đồ cotton.

Da của trẻ em rất nhạy cảm, vì vậy ngồi trong phòng điều hòa lâu sẽ dẫn tới mất nước, khô da. Để hạn chế tình trạng này nên thường xuyên uống nước hoặc để một chậu nước dưới máy điều hòa. Ngoài ra thỉnh thoảng cũng nên lau sàn nhà bằng giẻ ướt.

Đặc biệt, cần lưu ý đến thân nhiệt của trẻ thường xuyên, thường xuyên kiểm tra lưng bé xem có mồ hôi hay không, việc có mồ hôi lưng không lau kịp trong phòng điều hòa rất dễ khiến bé bị bệnh về hô hấp.