Các nhà khoa học ở Anh cho rằng nếu uống tối đa 14 đơn vị cồn mỗi tuần – đặc biệt là rượu vang đỏ - thì nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể thấp hơn so với những người không uống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trên thế giới tỏ ra nghi ngờ kết luận này.


Chất chống oxy hóa trong rượu vang có thể giúp giải thích vì sao những người uống rượu một cách vừa phải có nguy cơ phẫu thuật đục thủy tinh thể thấp hơn tới 23% so với những người không uống rượu. Ảnh:Bastian Lizut/Getty Images/EyeEm

Các chuyên gia tại Bệnh viện Mắt Moorfields ở London và Viện Nhãn khoa thuộc University College London (UCL) tin rằng chất chống oxy hóa trong rượu vang có thể giúp giải thích vì sao những người uống rượu một cách vừa phải có nguy cơ phẫu thuật đục thủy tinh thể thấp hơn tới 23% so với những người không uống rượu.

Đục thủy tinh thể - những mảng đục hình thành trong thủy tinh thể của mắt – là nguyên nhân chính gây ra suy giảm thị lực và mù lòa, chủ yếu ở người lớn tuổi. Các đơn vị thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đã thực hiện khoảng 350.000 ca phẫu thuật mỗi năm ở Anh nhằm loại bỏ các mảng đục này.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu lịch sử dịch tễ và lối sống của 492.549 người tham gia trong các nghiên cứu của Ngân hàng sinh học Vương quốc Anh (Biobank) hay Epic-Norfolk về sức khỏe của con người trong nhiều thập kỷ.

Họ phát hiện, những người uống tối đa 14 đơn vị cồn một tuần – con số do chính phủ khuyến nghị, tương đương với khoảng sáu ly rưỡi, ít có khả năng phải phẫu thuật đục thủy tinh thể hơn. Những người uống rượu nhẹ có nguy cơ thấp hơn so với những người uống bia hoặc rượu mạnh. Trong nghiên cứu của Epic-Norfolk, những người uống rượu vang ít nhất 5 lần một tuần có nguy cơ phải loại bỏ đục thủy tinh thể thấp hơn 23% so với những người không uống rượu. Con số này trong nghiên cứu của Biobank là 14%.

“Những mảng đục thủy tinh thể phát triển có thể là do sự tổn thương dần dần của việc mất cân bằng oxy hóa trong suốt quá trình lão hóa. Thực tế, phát hiện của chúng tôi có thể cho thấy vai trò của chất chống oxy hóa polyphenol trong việc bảo vệ, chất này đặc biệt có nhiều trong rượu vang đỏ”, TS Sharon Chua, tác giả thứ nhất của nghiên cứu, chia sẻ. Công trình đã được công bố trên tạp chí Ophthalmology.

Bình thường thủy tinh thể có chức năng điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp ta nhìn thấy mọi vật (hình trái). Vì ánh sáng khó đi qua nên người bệnh bị đục thủy tinh thể bị giảm thị lực, nhìn mờ và có nguy cơ bị mù (hình phải). Ảnh: Wellington Eye Centre

TS Anthony Khawaja, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói thêm: “Chúng tôi đã quan sát phản ứng liều lượng (những thay đổi trong phản ứng độc tố của một cá thể hay của một nhóm có liên hệ mật thiết với sự thay đổi trong liều lượng của một chất được cho) trong những phát hiện của mình – nói cách khác, có bằng chứng về việc giảm nguy cơ phải phẫu thuật đục thủy tinh thể với sự tăng dần lượng rượu tiêu thụ, nhưng chỉ được uống ở mức vừa phải và theo hướng dẫn.”

Tuy nhiên, các tác giả nhấn mạnh rằng, mặc dù nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa uống rượu ở mức độ vừa phải và bệnh đục thủy tinh thể, nhưng họ chưa tìm ra mối liên hệ nhân quả rõ ràng giữa chúng.

Trước đây, NHS đã xác định uống rượu là một trong những nguy cơ gây đục thủy tinh thể, cùng với hút thuốc, tiểu đường và tiền sử gia đình. TS Sadie Boniface, người đứng đầu nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về Rượu, tỏ ra nghi ngờ phát hiện mới. Những nghiên cứu theo thời gian như nghiên cứu của Biobank có thể đưa ra bức tranh sai lệch về sức khỏe của quốc gia vì nhiều tình nguyện viên thông thường vốn đã có sức khỏe tốt, bà cho biết.

“So sánh sức khỏe giữa những người uống rượu vừa phải với những người không uống cũng có nhiều vấn đề. Những người không uống rượu là một nhóm đa dạng, bao gồm những người đã ngừng uống rượu vì các vấn đề sức khỏe. Điều này có nghĩa là uống vừa phải chỉ là ‘trông giống’ như mang lại lợi ích về sức khỏe, bởi những người uống vừa phải chẳng qua là đã được so sánh với những người có sức khỏe kém”, Boniface nói. “Việc nguy cơ bị đục thể tinh thể ở những người uống rượu vang thấp hơn có thể bắt nguồn từ những đặc điểm khác của nhóm này mà chúng ta vẫn chưa tính đến. Nếu lượng rượu hoặc số đơn vị cồn thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh, thì bất kể loại đồ uống nào cũng sẽ mang lại những hiệu quả tương tự, chẳng riêng gì rượu vang”.

Nguồn: