Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học quốc tế đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Neurology ngày 9/6, ô nhiễm không khí lần đầu tiên được xác định là một trong 10 nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu.

Sau khi phân tích dữ liệu y khoa tại 188 quốc gia trong giai đoạn từ năm 1990-2013, nhóm nghiên cứu lọc ra các tác nhân gây đột quỵ hàng đầu là huyết áp cao, chế độ ăn ít trái cây hay rau, béo phì, ăn nhiều muối, hút thuốc. Đặc biệt, họ phát hiện ô nhiễm không khí có liên quan tới 17% trường hợp đột quỵ trong khi chất lượng không khí trong nhà kém (do đốt nhiên liệu rắn để giữ ấm) liên quan tới 16% tổng số trường hợp.

Ông Valery Feigin đến từ Trường ĐH Công nghệ Auckland (New Zealand), đồng tác giả nghiên cứu, nói ô nhiễm không khí gây ra tỉ lệ đột quỵ cao ngoài mức dự đoán, nhất là ở các nước đang phát triển. Tác hại do không khí bẩn gây ra cho phổi, tim và não cũng bị đánh giá thấp. Theo nghiên cứu, ô nhiễm không khí có thể “tiếp tay” cho đột quỵ vì làm tăng huyết áp, xơ cứng hoặc tắc nghẽn mạch máu.

Ô nhiễm môi trường gây đột quỵ - 1

Một phụ nữ che miệng và mũi giữa ngày ô nhiễm nặng ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 11/2015. Ảnh: REUTERS

“Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là khí thải xe hơi. Do đó cần tránh xa các tuyến phố vào giờ cao điểm hay tránh những con đường đông đúc” - ông Feigin khuyên và nói thêm vào những ngày có mức ô nhiễm không khí cao, người dân nên cố gắng ở trong nhà.

Các nhà nghiên cứu nói rõ rằng 90,5% trường hợp đột quỵ có liên quan tới lối sống nên mọi người có thể thay đổi để hạn chế nguy cơ. Ước tính mỗi năm, có khoảng 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó gần 6 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật như mất khả năng nhìn, nói, liệt người…

Theo báo The Guardian, nghiên cứu nêu trên tiếp sau báo cáo hồi tháng 2 của Trường Cao đẳng Hoàng gia Anh cho thấy ô nhiễm môi trường thầm lặng cướp đi sinh mạng của ít nhất 40.000 người ở Anh mỗi năm.