Ngày nay, bệnh tiểu đường trở thành mối lo ngại của rất nhiều người vì những hậu quả nặng nề mà nó để lại. Bài viết này sẽ gửi đến các bệnh nhân tiểu đường những lời khuyên bổ ích để chống chọi với căn bệnh này.

Tiểu đường là một căn bệnh mãn tính. Nó làm cho cơ thể không hấp thu đường dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Tiểu đường gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm như bệnh tim, mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận… và có thể dẫn đến tử vong.

Do đó, mỗi bệnh nhân tiểu đường cần phải có sự hiểu biết về căn bệnh này để tự chăm sóc bản thân nhằm hạn chế các biến chứng nặng nề. Dưới đây là những điều mà mỗi bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Tiểu đường là căn bệnh phổ biến hiện nay. Ảnh minh hoạ.

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể sẽ có những biểu hiện như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy đi. Đặc biệt đối với những người béo phì, khi có biểu hiện này thì càng chắc chắn hơn về khả năng mắc căn bệnh này. Ngoài ra, bệnh còn có các biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt…

Nắm rõ tình trạng bệnh của bản thân

Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, người bệnh cần phải có tâm lý thật tốt và thoải mái. Đồng thời, cần phải nắm được tình trạng sức khỏe hiện tại, không được lơ là chủ quan về căn bệnh này. Đồng thời, nên đi khám và nghe sự tư vấn cụ thể của bác sĩ để có thể hiểu rõ về căn bệnh và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

Tuân thủ phương pháp điều trị


Người bệnh cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đúng giờ, đúng liều, không được tự ý bỏ thuốc hay thay đổi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Phải khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra đường máu và làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tình trạng hiện tại. Mỗi người bệnh cần có một sổ theo dõi sức khỏe để có thể nắm rõ quá trình của bệnh.
Cần chú ý đến những thay đổi bất thường như mờ mắt, các vết lở loét ở bàn chân, cơ thể suy yếu nhanh, đau tức ngực … cần phải đi khám ngay để được điều trị hiệu quả nhất.

Chế độ ăn cho người tiểu đường


Các bệnh nhân tiểu đường cần có một chế độ ăn giàu chất xơ, đầy đủ các vitamin cần thiết và giảm các chất béo. Nên ăn các thực phẩm có chứa đường nhưng cơ thể hấp thu chậm như bột, gạo, ngũ cốc. Cần hạn chế các thức ăn có độ ngọt cao như bánh, kẹo, nước ngọt… Nếu ăn nhạt làm người bệnh khó ăn, có thể sử dụng chất tạo ngọt.

Cần chia thực đơn trong ngày thành nhiều bữa, phải đảm bảo ăn đủ bữa, đều đặn, không được bỏ bữa. Tùy vào thể trạng, ta có thể chia các buổi ăn như sau:

- Đối với người gầy cần có 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ.

- Đối với người có thể trạng trung bình hoặc mập thì cần 3 bữa chính và thêm 1 bữa phụ.

Người bệnh nên có thói quen ăn uống tốt, ăn thức ăn được chuẩn bị tại nhà, vừa đảm bảo được vệ sinh mà còn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng hợp lý. Hạn chế ăn tại các cửa hàng, quán vỉa hè…

Chế độ luyện tập


Ngoài chế độ ăn hợp lý, người bệnh cần phải thương xuyên rèn luyện thân thể để có một sức khỏe tốt, một cơ thể khỏe mạnh để chống lại bệnh tật. Các bài tập, các môn thể thao cần phù hợp với thể lực, sở thích của mỗi người.

Vệ sinh cá nhân

Thường xuyên kiểm tra cơ thể, nhất là vùng da bàn chân và các vị trí tỳ đè, phải kiểm tra xem có tổn thương da hay không. Nếu có cần đến ngay bác sĩ để được điều trị cho phù hợp.

Để tránh biến chứng lở loét da, người bệnh nên mang giày dép vừa chân có đế mềm, nằm nệm êm có kê lót vùng tỳ đè, khi nằm nên thường xuyên xoay trở, tránh nằm lâu một tư thế.
Tắm rửa hằng ngày với nước ấm, lau khô bằng khăn mềm, bôi kem dưỡng ẩm cho da.

Tránh để cho da bị tổn thương vì sẽ rất lâu lành, khi bị thương cần phải đến bác sĩ để được điều trị.