Suốt một thời gian dài, Canxi và Vitamin D được tin là có tác dụng giúp duy trì xương chắc khỏe và cách để bổ sung tốt nhất là tới từ các nguồn tự nhiên. Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu mới lại không khẳng định điều này.

Liệu canxi và vitaminD có thể giúp chống gãy xương? Đây là câu hỏi lớn được đặt ra trong giới khoa học dinh dưỡng suốt nhiều thập kỷ, nhất là hiện nay khi dân số thế giới đang có xu hướng già hóa. Đứng trước vấn đề có thể gây ra nhiều hệ quả kinh tế xã hội này, các nhà khoa học đã và đang cố gắng làm rõ làm rõ mối liên hệ.

Dầu gan cá. Ảnh: Miki Studio/Shutterstock
Dầu gan cá. Ảnh: Miki Studio/Shutterstock

Một nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc và công bố trên Journal of the American Medical Association đã mang tới một cái nhìn mới mẻ hơn về vấn đề này, dựa trên dữ liệu phân tích từ 33 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, với sự tham gia của hơn 50.000 tình nguyện viên trên 50 tuổi, phần lớn trong số họ vẫn sinh sống tại nhà thay vì nhà dưỡng lão, bệnh viện hay các cơ sở y tế.

Kết quả cho thấy: Vitamin D và những chất bổ sung Canxi dường như đã không thể đảm bảo ngăn ngừa khả năng rạn hay gãy xương, nhất là ở phần xương chậu của những người lớn tuổi. Lợi ích này không thật sự rõ ràng, bất kể liều lượng, giới tính, tiền sử loãng xương hay hàm lượng canxi có trong khẩu phần ăn của các bệnh nhân.

Năm 2013, một nhóm Cố vấn chuyên trách ngăn ngừa bệnh tật của Chính phủ Hoa Kỳ cũng đưa ra khuyến cáo về lợi ích không đầy đủ của việc bổ sung Vitamin D và Canxi đối với những người lớn tuổi vốn không bị các chứng như loãng hay gãy xương. Marion Nestle - giáo sư chuyên ngành dinh dưỡng tại Đại học New York cũng đưa ra ý kiến cảnh báo các bác sĩ lâm sàng hãy "cận trọng khi khuyên người khỏe mạnh bổ sung thêm canxi và vitamin D".

GS Nestle nói việc giữ cho xương chắc khỏe phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất (như tập thể dụng với các vật nặng), tránh uống nhiều rượu và đặc biệt không hút thuốc.

Vitamin D thực chất không phải là vitamin mà chỉ là một loại hóc-môn được sản sinh khi cơ thể phản ứng với ánh sáng Mặt trời, đóng nhiều vai trò trong việc ngăn ngừa nguy cơ với các bệnh về xương, ung thư, tim mạch, tiểu đường, suy giảm miễn dịch và cả sức khỏe sinh sản.

Daniel Fabricant, chủ tịch Hiệp hội Sản phẩm tự nhiên (Natural Products Association), đại diện cho các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm chức năng nhận định nghiên cứu trên dường như đã bao trùm quá rộng. Ông cho rằng, nghiên cứu không nên chỉ tập trung vào bộ phận dân số khỏe mạnh nhất – những người có điều kiện sống gần gia đình – mà cần tính tới cả những người thường xuyên phải cư trú trong bệnh viện, hay có tiền sử loãng xương trong gia đình, họ mới là những người cần nhiều Vitamin D hơn.

Suốt một thời gian dài, Canxi và Vitamin D được tin là có tác dụng giúp duy trì xương chắc khỏe và cách để bổ sung tốt nhất là tới từ các nguồn tự nhiên. Với Canxi, chúng ta nên ăn các sản phẩm từ sữa, phô mai, sữa chua và rau xanh; còn đối với Vitamin D thì cần phải thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời buổi sớm, bên cạnh một số ít các thực phẩm giàu Vitamin D như cá hồi.

Hiện vẫn đang tồn tại nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề tác dụng và liều lượng phù hợp của việc bổ sung Vitamin D và Canxi. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng bổ sung những chất này có thể giúp giảm nguy cơ đối với bệnh tiểu đường và một số loại ung thư nhất định, trong khi khuyến nghị của Viện Y tế Mỹ (2010) lại cho rằng việc hấp thụ Canxi và Vitamin D quá nhiều có thể gây ra những vấn đề về thận và tổn thương mô.

Mới đây, trong một báo cáo tháng 4/2017 trên JAMA Cardiology, các nhà khoa học cũng chỉ ra: bổ sung quá nhiều Vitamin D hàng tháng cũng không giúp ích nhiều cho các bệnh liên quan đến tim mạch.