Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho thấy, con người có xu hướng chấp nhận và thực hiện các hành vi lành mạnh tốt hơn nhờ sự hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn của Internet và các thiết bị di động.

Một người đàn ông sử dụng ứng dụng trên smartphone để thu thập thông tin về sức khỏe. Ảnh: Heavy

Để đi đến kết luận trên, các nhà khoa học đã xem xét 224 nghiên cứu công bố trong giai đoạn 1990-2013 về ảnh hưởng của Internet, điện thoại di động, các phần mềm, cảm biến cá nhân đối với sự thay đổi hành vi. Họ nhận thấy, các chương trình trên Internet và điện thoại di động giúp thay đổi hành vi một cách lành mạnh.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, những người sử dụng các chương trình trên Internet không chỉ cải thiện chế độ ăn uống mà còn giảm dùng rượu, bia, thuốc lá. Các ứng dụng điện thoại, tin nhắn văn bản nhắc nhở cũng giúp tăng cường hoạt động thể chất. Các chương trình trên mạng có thể thúc đẩy hành vi tự giám sát và thiết lập mục tiêu hiệu quả, nhất là khi có sự tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có liên quan.

“Các bác sỹ có thể sử dụng chương trình như vậy để giúp mọi người cải thiện hành vi, lối sống và làm giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính” - ông Ashkan Afshin, tác giả chính của nghiên cứu - nói.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, các công trình được khảo sát thường chỉ được thực hiện trong vòng 6 tháng. Bởi vậy, thông tin thu được liên quan đến ảnh hưởng lâu dài của các chương trình, ứng dụng trên Internet và điện thoại di động bị hạn chế. Để có cái nhìn rõ ràng hơn về tác động của các chương trình này, nhóm lưu ý cần có thêm những nghiên cứu lâu dài hơn, liên quan đến nhiều mặt khác nhau của quần thể dân cư.