Trong một cuộc tranh luận về chính trị tưởng chừng không gì có thể khiến nó bớt sôi sục, từ “đạo đức” được thốt ra đúng lúc có thể ngăn những cái đầu nóng. Đây là phát hiện mới nhất mà các nhà khoa học Mỹ mới công bố.

Tháo nút thắt cho những tranh cãi chính trị

Trong một khảo sát mới đây do Đại học Quinnipiac (Mỹ) tiến hành trên toàn quốc nhằm tìm hiểu cử tri nhìn nhận thế nào về Donald Trump và Hillary Clinton, câu hỏi được đưa ra là: Ai trong 2 ứng viên chạy đua vào chiếc ghế tổng thống có đạo đức hơn. Kết quả: Bà Clinton dẫn điểm với tỉ lệ 47/36.

Thực tế này rất phù hợp với kết quả một nghiên cứu mới công bố của các chuyên gia tâm lý Andrew Luttrell và Richard Petty thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ), Pablo Brinol thuộc Đại học Autónoma de Madrid (Tây Ban Nha) và Benjamin Wagner thuộc Đại học St. Thomas Aquinas (Mỹ).

So với đối thủ Trump, bà Clinton đang được cử tri Mỹ xem là có đạo đức hơn. Ảnh: The Guardian
So với đối thủ Trump, bà Clinton đang được cử tri Mỹ xem là có đạo đức hơn. Ảnh: The Guardian

Theo đó, chỉ cần nói với mọi người rằng quan điểm của mình dựa vào đạo đức thì lời nói của bạn sẽ trở nên có sức nặng và mọi người ít có xu hướng đối đầu với quan điểm đó. Đây chính là một chiến lược khôn ngoan mà nhiều chính trị gia và các nhóm luật sư đã sử dụng nhằm đạt mục đích của mình. Có vẻ như mọi vấn đề đều có thể được nhìn nhận qua lăng kính đạo đức và đó là lý do vì sao chúng ta vẫn tiếp tục tranh cãi về các vấn đề chính trị.

“Với nhiều người, đạo đức hàm chứa một cái gì đó thống nhất, một sự thật sau cùng. Lòng tin này khó có thể bị lay chuyển. “Đạo đức” có phải là một từ ma thuật không? Ở một vài khía cạnh, câu trả lời là có. Chúng ta lớn lên với ý nghĩ rằng đạo đức là một thứ gì đó khó động chạm; nhưng thực tế đạo đức là một cái gì đó bền vững, khó thay đổi” - ông Andrew Luttrell nhận định.

Đồng tác giả của nghiên cứu - Giáo sư Richard Petty - thì cho rằng, nghiên cứu của họ đã cho thấy việc củng cố một niềm tin bằng cách sử dụng mác đạo đức là điều vô cùng dễ dàng. “Đạo đức có thể đóng vai trò như một chiếc khuy bấm. Bạn có thể gắn nó với bất cứ một niềm tin nào và khiến chúng trở nên mạnh mẽ hơn” - Giáo sư Petty nói.

Đạo đức là từ ma thuật

Để chứng minh cho giả định quan điểm của một người sẽ trở nên mạnh mẽ hơn hoặc có thể đứng vững trước các thử thách nếu được cho là “có đạo đức”, các nhà nghiên cứu đã tiến hành 3 thí nghiệm trên khoảng 100 người.

Nhóm đầu tiên là các sinh viên đại học. Họ được cung cấp thông tin về chính sách thi cử mới và phải viết ra nhận xét của mình về chính sách này. Sau đó, những người tham gia bị chia nhỏ và nhận lại phản hồi cho ý kiến của họ dưới dạng chữ in. Một vài người nhận được ý kiến cho rằng quan điểm của họ về chính sách thi cử khá là “cổ điển”, số khác cho rằng quan điểm của họ khá “đạo đức”.

Chỉ đơn giản nói thái độ của ai đó khá đạo đức, Luttrell nhận ra rằng người đó sẵn sàng bảo vệ ý kiến của mình hơn. So với nhóm “truyền thống”, nhóm “đạo đức” sẵn sàng ký tên vào một bản kiến nghị để ủng hộ một chính sách không có thật. Mức độ hào hứng tham gia hành động của các thành viên được đánh giá theo thang điểm từ 1-9.

Trong hai thí nghiệm tiếp theo, những người tham gia được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ tương tự, nhưng tập trung vào vấn đề tái chế. Nhóm coi tái chế là việc tốt sẽ phải viết ra suy nghĩ cá nhân và làm một bài kiểm tra được đánh giá theo thang điểm từ 1-9. Họ nhận được phản hồi về quan điểm của mình: Một số người có quan điểm được đánh giá là “thực tế”, một số khác có quan điểm được đánh giá là “đạo đức”.

Sau đó, nhóm nghiên cứu tìm cách thay đổi quan điểm của những người tham gia. Họ đưa ra một tờ giấy viết rằng việc tái chế khiến nhiều ôtô chạy trên đường hơn và làm cho môi trường thêm ô nhiễm.
Thái độ của nhóm “đạo đức” và “thực dụng” không khác nhau nhiều lắm trước khi họ đọc được tin nhắn phản đối tái chế này. Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra sau đó đã chỉ ra rằng những người thuộc nhóm “đạo đức” dường như ít thay đổi quan điểm của mình về tái chế hơn so những người theo trường phái “thực tế” (tính theo thang điểm 9, người ở nhóm đạo đức giữ mức 7,56, trong khi người ở nhóm thực tế chỉ đạt 6,88).

Như vậy, chỉ cần gắn mác đạo đức, thái độ của người tham gia nghiên cứu với vấn đề tái chế đã được củng cố.

“Điều này cho thấy, thái độ đối với hành vi tái chế của những người được cho là có đạo đức vững chắc hơn trước thông tin phản đối tái chế so với thái độ của những người được cho là thực tế. Nhưng điều quan trọng hơn là nó cho thấy việc định hướng một người suy nghĩ rằng quan điểm của họ là dựa vào các nguyên tắc đạo đức dễ tới nhường nào” - tác giả nghiên cứu nhận xét.