Nhiều phụ huynh dễ bị nhầm lẫn giữa bệnh sởi và sốt phát ban ở trẻ nhỏ. Điều này rất nguy hiểm trong việc chăm sóc con nhỏ vì sởi có thể khiến trẻ bội nhiễm gây viêm phổi, tử vong.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc phát hiện và phân biệt giữa sốt phát ban và sẽ giúp ích rất nhiều cho phụ huynh trong việc theo dõi và chăm sóc trẻ mắc sởi. Đây cũng là một trong những yếu tố tích cực làm giảm đáng kể những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, nhất là biến chứng viêm phổi nặng có thể gây tử vong nhanh chóng ở trẻ bị sởi nặng.

Theo PGS Dũng, các trường hợp sốt phát ban ở trẻ nhỏ chưa có ca nào biến chứng nặng nhưng điều đáng lo ngại là người lớn rất dễ nhầm sốt phát ban ở trẻ nhỏ với bệnh sởi. Điều này rất nguy hiểm trong việc chăm sóc con nhỏ. PGS Nguyễn Tiến Dũng sẽ giúp các phụ huynh sáng tỏ điều này.

Bệnh sởi gia tăng: Bác sĩ chỉ cách phân biệt sởi và sốt phát banPGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Về tác nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây sốt phát ban hầu hết do nhiễm virus thông thường (70 – 80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính.

Còn sởi do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính.

Biểu hiện bệnh

Sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.

Phát ban thông thường là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm. Quá trình mọc ban đỏ cũng không theo trình tự nào, có thể sau sốt 1 – 2 ngày.

Còn sởi thì ban xuất hiện ở sau tai trước, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ. Bắt đầu với các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39 - 40oC mệt mỏi kèm chảy nước mũi, ho, nổi phát ban.

Bệnh sởi gia tăng: Bác sĩ chỉ cách phân biệt sởi và sốt phát banBệnh sởi và sốt phát ban rất dễ bị nhầm lẫn nếu không lưu ý

Biến chứng của bệnh

Sốt phát ban do nhóm siêu vi khuẩn thông thường hầu hết là bệnh lành tính. Trẻ bị sốt phát ban nếu được chăm sóc đúng cách, hợp lý thì bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không gây nên bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.

Bệnh sởi có thể gây viêm phổi, viêm phế quản thậm chí dẫn đến tử vong (nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi), viêm tai giữa, xoang, răng lợi, tiêu chảy mất nước, suy dinh dưỡng; viêm loét giác mạc… Các biến chứng thường xuất hiện khi bệnh toàn phát hoặc đã lui.

PGS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, việc tiêm phòng sởi vô cùng hữu ích, trẻ sẽ được bảo vệ sởi hoàn toàn và thế hệ sau cũng được truyền miễn dịch.

Bên cạnh đó, khi trẻ có biểu hiện sốt, cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc đông y cho con, nếu dùng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, không sử dụng thuốc có thành phần của corticord vì sởi kị nhất với corticord trong khi thành phần này có ở rất nhiều thuốc.

Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều… thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm.