Các chuyên gia Úc sẽ đào tạo, hướng dẫn cho 20 nhà khoa học và cán bộ các khu bảo tồn biển Việt Nam trong nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát và quản lý rạn san hô bằng cách ứng dụng công nghệ mới ReefCloud và thiết bị ReefScan

j
Các nhà khoa học tại Viện Khoa học Biển Úc từ lâu đã ứng dụng ReefScan - một hệ thống camera dùng để thu thập hiện trạng rạn san hô - trong công tác bảo tồn san hô. Ảnh: AIMS

Trong khuôn khổ Sáng kiến Tài nguyên Biển MRI, Chính phủ Úc đã cam kết hỗ trợ, hợp tác với các quốc gia có biển ở Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam - để phát triển và quản lý bền vững tài nguyên biển.

Cụ thể, Viện Khoa học Biển Úc AIMS và Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ vào tháng 1/2023 và Thỏa thuận hợp tác vào tháng 10/2023 nhằm thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực giám sát rạn san hô tại Việt Nam”. Khóa tập huấn chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực giám sát rạn san hô tại Việt Nam được tổ chức từ ngày 1 – 13/4/2024 tại Viện Hải dương học là một trong những hoạt động trong khuôn khổ của dự án hợp tác này.

Theo trang chủ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, thông qua khóa tập huấn, các chuyên gia AIMS sẽ đào tạo, hướng dẫn cho 20 nhà khoa học và cán bộ các khu bảo tồn biển Việt Nam nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát và quản lý rạn san hô bằng cách ứng dụng công nghệ mới ReefCloud và thiết bị ReefScan, làm cơ sở cải thiện cho việc ra quyết định của các nhà quản lý rạn san hô tại địa phương.

PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học phát biểu tại buổi khai mạc
PGS.TS. Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học phát biểu tại buổi khai mạc diễn ra vào đầu tháng 4. Ảnh: VAST

Úc vốn nổi tiếng là nơi có rạn Rạn san hô Great Barrier - hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng 3.000 rạn san hô riêng rẽ và vịnh san hô. Do đó, các chuyên gia nước này có rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ rạn san hô trước những rủi ro như tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, đánh bắt cá quá mức.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bày tỏ hy vọng những kiến thức và kinh nghiệm được các chuyên gia AIMS chia sẻ tại khóa tập huấn sẽ giúp các cơ quan quản lý, các nhà khoa học nâng cao năng lực giám sát và bảo vệ các rạn san hô trước tác động của biến đổi khí hậu tại tỉnh Khánh Hòa nói riêng và trong khu vực nói chung.

Tại buổi khai mạc khóa học, TS. Manuel Gonzalez, Trưởng nhóm Giám sát và Phục hồi rạn san hô của AIMS đã giới thiệu về các công nghệ hiện đại ReefScan và ReefCloud trong giám sát rạn san hô. ReefScan là một hệ thống camera dùng để thu thập hiện trạng rạn san hô, còn ReefCloud là bộ cơ sở dữ liệu lớn dạng mở để quản lý các dữ liệu về rạn san hô. Đây là những công nghệ tiên tiến hàng đầu mà AIMS đang phát triển và sử dụng để giám sát rạn san hô.

Kết thúc phiên khai mạc, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam, đã thay mặt Chính phủ Úc và Viện Khoa học biển Úc tặng Viện Hải dương học một thiết bị ReefScan, bốn camera và một số dụng cụ, tài liệu phục vụ cho việc đào tạo của khóa tập huấn và sử dụng cho công việc giám sát rạn san hô sau này tại Viện Hải dương học.