Theo bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Hanel, thách thức lớn khi xây dựng hệ thống “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số” là cơ chế, các thủ tục quy định cho các đề án ứng dụng CNTT tương tự chưa có tiền lệ, khá rủi ro cho nhà đầu tư.


Việc ứng dụng giải pháp sẽ giúp cho ngành GTVT quản lý hiệu quả hơn. Ảnh: Infonet

Giữa tháng 1 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức khai trương hệ thống “Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số” với quy mô sử dụng trên toàn quốc.

Giải pháp nằm trong Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong hoạt động của Bộ GTVT đến năm 2020” nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ số ngành giao thông vận tải, hệ thống giải pháp, ứng dụng tích hợp trên nền bản đồ số, tích hợp dữ liệu giao thông…, do liên danh Hanel - Việt Bản đồ tự đầu tư xây dựng trong suốt hơn một năm qua.

Giải pháp tích hợp không giới hạn các cơ sở dữ liệu và ứng dụng chuyên ngành giao thông như cơ sở dữ liệu giám sát hành trình, biển báo; kiểm soát tải trọng xe; hạ tầng cầu, đường; camera giám sát, ITS… trên nền một bản đồ số thống nhất cho toàn ngành GTVT.

Đến nay, sau 6 tháng thử nghiệm, hệ thống Giám sát hành trình và kiểm soát tốc độ theo cung đường đã vận hành ổn định và thông suốt, kết nối hơn 250.000 phương tiện với 10 tỷ gói tin mỗi tháng. Hệ thống kiểm soát tốc độ theo từng cung đường, biển báo trên hơn 20.000 km quốc lộ và các tuyến cao tốc. Hệ thống khi được triển khai hoàn toàn sẽ mang lại lợi ích cho hơn 40 triệu người tham gia giao thông Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, việc liên danh Hanel-Việt Bản đồ chủ động đầu tư để có sản phẩm hoàn chỉnh và cho nhà nước thuê dịch vụ phù hợp với chủ trương của Chính phủ, giúp giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước, qua đó giúp ngành GTVT nhanh chóng có một hệ thống tổng thể hỗ trợ toàn diện công tác quản lý, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Giải pháp được khai trương giữa tháng 1/2016.

Trao đổi với ICTnews về những thách thức khi xây dựng hệ thống, bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hanel cho hay: Liên danh Hanel - Việt Bản đồ từ khi nhận được yêu cầu từ Tổng cục Đường bộ và bắt đầu phát triển ý tưởng để triển khai đề án, đã đặt mức độ ưu tiên công việc cao nhất do đây là giải pháp cấp thiết để cải thiện tình hình giao thông cũng như các vấn đề phục vụ nhu cầu xã hội và người dân, mà Bộ GTVT giao nhiệm vụ và kỳ vọng.

Tuy nhiên, cơ chế và các thủ tục quy định cho các đề án ứng dụng CNTT tương tự chưa có tiền lệ, nên khá rủi ro cho nhà đầu tư. Chúng tôi vẫn đang cố gắng triển khai hệ thống hoàn chỉnh và cho vận hành ở mức độ tốt nhất có thể để các giải pháp thể hiện được hiệu quả khi áp dụng.

“Chúng tôi mong muốn và đề xuất được Bộ GTVT, các ban ngành liên quan hết sức ủng hộ, tạo điều kiện và hỗ trợ về nguồn lực để Đề án được phát triển đúng tiến độ và chất lượng theo lộ trình đến năm 2020”, bà Yến nói.

Trao đổi thêm, ông Nguyễn Hữu An, Phó Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển HanelSoft, phụ trách kỹ thuật phát triển giải pháp nhấn mạnh: Áp dụng CNTT vào lĩnh vực GTVT là một bài toán mới và khó, do phạm vi rộng và các biến đổi rất đa dạng, phức tạp. Với việc đã kết nối hơn 250.000 phương tiện và nhận hơn 10 tỷ gói tin mỗi tháng vào thời điểm hiện tại, tiến tới kết nối lên đến 1 triệu phương tiện trong năm 2016, giải pháp công nghệ cho việc lưu trữ và xử lý dữ liệu thực sự cũng là một thách thức lớn.

Ngoài ra, việc tích hợp các lớp dữ liệu chuyên ngành với đặc điểm đa dạng và rải rác. Tuy nhiên, đội ngũ kỹ thuật của Hanel và đối tác Việt Bản đồ đã đảm bảo sự ổn định cho toàn hệ thống trong suốt 6 tháng vận hành vừa qua.