Toán học không chỉ là công cụ để chúng ta diễn giải, giải quyết các vấn đề và hiện tượng trong đời sống mà còn tạo sự kết nối, cho phép chúng ta làm việc cùng nhau.

Nhận định trên của Laura Vanessa Gomez Borneo, thành viên ban điều hành Ngày Quốc tế Toán học, đã khái quát ý nghĩa của chủ đề Ngày Toán học quốc tế (14/3) năm nay do UNESCO khởi xướng: Mathematics Unites (Toán học kết nối).

h
GS.TS Lê Hồng Khiêm (Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: VinIF

Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam đồng tình với nhận định này. Trong khuôn khổ “Ngày Quốc tế Toán học 2022: Toán học kết nối chúng ta" do Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO, Viện Toán học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) đồng tổ chức vào ngày 14/3, GS.TS Lê Hồng Khiêm (Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) bày tỏ: “Tôi không thể hình dung nổi nếu không có toán học thì tôi sẽ làm vật lý thực nghiệm như thế nào".

“Khi tôi làm việc tại Viện RIKEN, để tiến hành các nghiên cứu hợp tác cùng các nhà khoa học trong lĩnh vực Sinh học, tôi phải tiến hành các thuật toán, tiến hành nghịch đảo ma trận, giải phương trình vi phân, đạo hàm v.v.”, ông kể lại kinh nghiệm của mình. Đối với những thí nghiệm đắt đỏ lên tới hàng chục triệu đô-la đầu tư, toán học như một công cụ giúp ông và cộng sự tối ưu các khoản chi phí thí nghiệm. “Có thể nói, toán học là công cụ để con người tìm hiểu sự thật, chân lý; nó đóng vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực,” ông nói.

Nhưng toán học không chỉ hỗ trợ một vài ngành khoa học. Trên thực tế, nó có mặt trong hầu hết các lĩnh vực khoa học đời sống. Trong các bài giảng đại chúng ở ngày hội toán học, người ta thấy vai trò của toán học trong nhiều chuyên ngành khác nhau, từ tin sinh học đến khí tượng/khí hậu... mà cái tít đã nói lên nhiều điều “Toán học trong nghiên cứu Khí hậu và Biến đổi Khí hậu quy mô khu vực” của PGS.TS Ngô Đức Thành (Đồng Trưởng Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), “Giải mã DNA của bạn: lý thuyết đồ thị có thể giúp gì?” của TS. Võ Sỹ Nam (Giám đốc Trung tâm Tin Y Sinh, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup), “Toán là chúng ta” của ông Nguyễn Như Huy (Giám đốc nghệ thuật ZeroStation)... Ví dụ, TS Võ Sỹ Nam cho biết hệ gene người giống nhau tới 99,99%, chỉ 0,01% khác biệt còn lại đã là thách thức cho các nhà khoa học. “Những gene nào liên quan đến sự khác biệt giữa mọi người?”, anh đặt câu hỏi. “Và lý thuyết đồ thị sẽ giúp chúng tôi trả lời câu hỏi đó.” Dữ liệu DNA người trải tới 3 tỷ kí tự, nhưng máy móc chỉ đọc được từng đoạn ngắn với vài trăm kí tự. Các nhà khoa học đã sử dụng đồ thị De Bruijn để ghép nối các đoạn ngắn, xây dựng được đoạn DNA nguyên thủy ban đầu, từ đó tìm ra phần khác biệt giữa các hệ gene.

f
PGS.TS Ngô Đức Thành (Đồng Trưởng Khoa Vũ trụ và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) trình bày bài giảng“Toán học trong nghiên cứu Khí hậu và Biến đổi Khí hậu quy mô khu vực”. Ảnh: VinIF

Với ưu thế như vậy, những con đường nghề nghiệp song hành với toán học ngày một rộng mở và phong phú. Do đó, để chuẩn bị kiến thức cho những người trẻ, các trường đại học cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng. PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình (Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, Đại học Bách Khoa cũng đã có những thay đổi để phù hợp hơn với sự phát triển của tương lai. “Trước đây tất cả các ngành ở Bách Khoa đều học một chương trình toán với số môn, số tiết như nhau, nhưng gần đây chúng tôi đã thay đổi chương trình dạy toán sao cho phù hợp với từng ngành. Các ngành, viện sẽ đặt hàng giảng viên Toán thiết kế các chương trình phù hợp. Bên cạnh các tiết lý thuyết, sinh viên sẽ làm bài tập, dự án để có những trải nghiệm thực tế.”

Tại phiên họp lần thứ 40 vào năm 2019, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận ngày 14 tháng 3 là Ngày Toán học Thế giới (International Mathematics Day - IDM). Chủ đề của ngày toán học quốc tế năm 2020 là "Toán học ở khắp mọi nơi", năm 2021 là "Toán học cho một thế giới tốt đẹp hơn", và năm nay là "Toán học kết nối".