Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Linh Chiểu, TP Thủ Đức, vừa có những trải nghiệm dạy và học hoàn toàn mới lạ khi chương trình dạy học thí điểm với kính thực tế ảo kéo dài 4 tuần được triển khai tại Phòng học Khoa học Thông minh của trường.

Một buổi học với kính thực tế ảo về cơ chế tấn công của virus vào cơ thể người. Ảnh: Trường Tiểu học Linh Chiểu

Từ cuối tháng 4, ban biên soạn chương trình học đặc biệt gồm các giáo viên từ khối lớp một đến lớp bốn của trường tiểu học Linh Chiểu (trường chưa có lớp 5) đã cùng xây dựng và cho ra đời bộ giáo án thực tế ảo đầu tiên cho môn Tự nhiên và Xã hội (từ lớp 1 đến lớp 3) và môn Khoa học (lớp 4).

Với chương trình học này, tất cả các lớp (trường có các lớp từ 1 đến 4) có một tiết/tuần học tập và trải nghiệm kính thực tế ảo với sự hướng dẫn của các giáo viên chủ nhiệm. Học sinh được tự mình khám phá các trò chơi trải nghiệm và mô phỏng các tình huống thực tế như đi tham quan bảo tàng, phòng cháy chữa cháy, tìm nơi trú ẩn khi có mưa bão, từ đó tự rút ra được những kiến thức và hình thành kỹ năng xử lý tình huống.

Trước khi đứng lớp, các giáo viên đã được tập huấn hai buổi với các chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc về các nội dung như thao tác cơ bản với kính thực tế ảo, đảm bảo an toàn khi sử dụng kính, cách tìm kiếm, chỉnh sửa, và lưu trữ các video định dạng 3D và VR 360, các phương pháp giảng dạy và cách quản lý lớp học hiệu quả khi sử dụng kính thực tế ảo.

Bốn tuần triển khai thí điểm lớp học tại trường Tiểu học Linh Chiểu cũng đã cho thấy những tiềm năng mà một lớp học ứng dụng công nghệ hiện đại có thể đem lại cho cả người dạy và người học.

Theo Xinchao ScienceEdu - đơn vị triển khai chương trình, công nghệ VR 360 có thể giúp các em học sinh được tự mình trải nghiệm và thực hành những bài học mà thầy cô dạy trên lớp một cách chân thực. Với công nghệ này, vai trò của người đứng lớp cũng trở nên linh động hơn, học sinh sẽ trở thành trung tâm của lớp học và được tự mình khám phá, học hỏi thay vì chỉ lắng nghe bài giảng một cách thụ động.

Đồng thời, việc sử dụng các thiết bị thông minh như kính thực tế ảo, máy tính bảng cũng có thể giúp học sinh hình thành kỹ năng sử dụng công nghệ từ sớm, góp phần tạo nền tảng cho kiến thức về công nghệ thông tin của các em trong tương lai.

Dù vậy, do còn khá mới mẻ tại Việt Nam, việc triển khai chương trình học này cũng còn một số thách thức. Trong đó, trở ngại đầu tiên đến từ việc phần lớn các giáo viên hiện nay chưa có kinh nghiệm sử dụng các thiết bị thông minh trong quá trình dạy học. Các kỹ năng tìm kiếm, chỉnh sửa, và cắt ghép video 360, cũng như biên soạn giáo án và tìm kiếm tài liệu phù hợp cho bài học cũng là một thử thách không nhỏ đối với các giáo viên.

Bởi vậy sau khi kết thúc, kết quả triển khai dự án thí điểm này sẽ được các bên tham gia cùng đánh giá và tìm ra phương án thích hợp để duy trì, mở rộng mô hình ra các cơ sở giáo dục khác ở TP.HCM cũng như trên phạm vi toàn quốc.

Lớp học - Phòng thí nghiệm thực tế ảo cho các môn khoa học đã được khánh thành vào cuối tháng 3 tại trường Tiểu học Linh Chiểu ở TP Thủ Đức trong chương trình hợp tác quốc tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam, và do công ty Xinchao Science Edu triển khai thực hiện.

Với tổng chi phí đầu tư hàng chục nghìn USD, lớp học khoa học thông minh này được trang bị các thiết bị hiện đại như kính thực tế ảo, máy tính bảng, ti vi thông minh cùng các phần mềm điều khiển.

Bà Grace Soyun Jung - giám đốc của Xinchao ScienceEdu, đơn vị triển khai chương trình - cho biết, mục tiêu của dự án là tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận giáo dục kỹ thuật số.

Dự án cũng được kỳ vọng sẽ giúp tìm ra phương thức phù hợp để kết nối hệ thống giáo dục quốc gia hiện tại với cấp tỉnh, cũng như đánh giá tính khả thi của việc xây dựng một hệ thống giáo dục trực tuyến tập trung và xác định phương pháp đào tạo giáo viên nói chung.