Sáng nay (4/8) tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, gần 30 chuyên gia về kinh tế và biến đổi khí hậu trong và ngoài nước đã tham dự Hội thảo quốc tế đa ngành về kinh tế, môi trường và công nghệ.

Hội thảo do Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao Khoa học công nghệ và dịch vụ Hội An, Trường Cao đẳng Công nghệ kinh tế và thủy lợi miền Trung, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, quản trị và môi trường Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế Toulouse và trường Đại học Tài nguyên môi trường phối hợp tổ chức.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Vấn đề trung tâm của hội thảo chính là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến điều kiện tự nhiên và hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam nằm trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiểm họa này. Dưới tác động của biến đổi khí hậu và con người, nhiều bờ biển đã bị xói lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, cần có cơ sở khoa học để đánh giá những thiệt hại về kinh tế do hiện tượng xói lở bờ biển gây ra, từ đó xác định phương án khắc phục cụ thể và giá trị kinh tế mà phương án này đem lại. Đó là lý do mà các nhà khoa học triển khai đề tài nghiên cứu “Tác động của hiện tượng xói lở bờ biển ở Việt Nam - Mô hình và thực nghiệm”.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng đang trình bày đề tài “Tác động của hiện tượng xói lở bờ biển ở Việt Nam – Mô hình và thực nghiệm”
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng đang trình bày đề tài “Tác động của hiện tượng xói lở bờ biển ở Việt Nam - Mô hình và thực nghiệm”

Giới thiệu về đề tài trên tại Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, quản trị, môi trường Việt Nam cũng cho biết, đề tài sẽ tổng hợp dữ liệu và mở rộng phạm vi nghiên cứu tại toàn bộ bờ biển ở cả 3 miền, tập trung đánh giá tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu với từng địa phương, phân tích hệ lụy của thiên tai với đời sống dân sinh và nền kinh tế. Từ đó kiến nghị các chính sách ứng phó để phát triển bền vững.

Trồng dừa nước chắn sóng, chống sạt lở kết hợp du lịch sinh thái tại Hội An.
Trồng dừa nước chắn sóng, chống sạt lở kết hợp du lịch sinh thái tại Hội An.

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia cũng trình bày nhiều tham luận có liên quan đến kinh tế và khoa học như: Nhu cầu về bảo hiểm lũ lụt ở Việt Nam, Đánh giá tác động đa chiều của biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, Tác động kinh tế của kiểm soát dịch bệnh cây trồng và bảo tồn đa dạng sinh học, Rừng phòng hộ và tác động của biến đổi khí hậu tới thủy sản và nuôi trồng thủy sản…

Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, các nhà khoa học và nhà quản lý cần ngồi lại với nhau để đưa ra ý kiến và phương án khả thi nhất trên mọi mặt, đặc biệt là là ở khía cạnh kinh tế và khoa học để “cứu” Hội An nói riêng và các địa phương bị ảnh hưởng nói chung của biến đổi khí hậu. Trong đó có quy hoạch và phân phối lại khu vực đất đai bị ảnh hưởng để thay đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, nghiên cứu xây dựng hệ thống kè tiên tiến chống sạt lở,…

Được biết, suốt 3 năm qua, bờ biển cửa Đại của Hội An đã bị sạt lở nghiêm trọng, hằng trăm mét dải bờ biển đã bị cuốn trôi do sóng biển xâm thực, nhiều tuyến đê kè của Hội An bị sóng đánh vỡ. Bên cạnh đó, thiên tai, lũ lụt triền miên cũng là nguyên nhân khiến hệ thống nhà cổ tại địa phương này xuống cấp, ảnh hưởng đến du lịch.

Chính quyền Quảng Nam và Hội An đã tìm nhiều giải pháp khắc phục để “cứu” Hội An nhưng vẫn chưa được xử lý hoàn toàn.