Đây là phương án cuối cùng được Bộ GD&ĐT chọn để kiến nghị lên Chính phủ sau thời gian tiến hành khảo sát, xin ý kiến giáo viên trên khắp cả nước

Giám thị phổ biến quy chế thi, lịch thi chi tiết các môn cho thí sinh. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Giám thị phổ biến quy chế thi, lịch thi chi tiết các môn cho thí sinh trong kỳ thi vào năm 2020. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Trong phiên họp ngày 14/11 của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ theo phương án thí sinh thi 4 môn (phương án 2 + 2), trong đó thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học. Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo Hội đồng, phương án 2+2 được triển khai sẽ giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội. Thí sinh sẽ thi ít hơn 2 môn và giảm xuống còn 3 buổi thi (Hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 bài thi, gồm toán, văn, ngoại ngữ, tổ hợp khoa học tự nhiên - lý, hóa, sinh - hoặc tổ hợp khoa học xã hội - sử, địa, giáo dục công dân).

Bên cạnh đó, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng phương án sẽ “không gò bó học sinh trong việc lựa chọn giữa khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng trong tất cả các môn học”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nói.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh (Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS Nguyễn Văn Minh (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), GS.TS Thái Văn Thành (Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An), ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM)... cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ phương án 2+2.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã đề xuất 2 phương án để xin ý kiến rộng rãi, đó là phương án 4+2, 3+2.

Với phương án 4+2, thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 6 môn, gồm thi bắt buộc 4 (ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Với phương án 3+2, thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 5 môn, gồm thi bắt buộc 3 môn (ngữ văn, toán, ngoại ngữ) và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn lịch sử).

Trong quá trình tiến hành khảo sát, đã có một số địa phương đề nghị thêm là phương án 2 + 2 bởi phương án này có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt giúp giảm tốn kém cho xã hội. Do đó, Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát thêm, và cuối cùng chọn 2+2 làm phương án chính thức để kiến nghị lên Chính phủ.