Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng phương pháp tập luyện này rất có lợi, nhưng họ cho rằng hiện chưa có đủ cơ sở để sử dụng yoga như một phương pháp điều trị độc lập cho các vấn đề sức khỏe tinh thần và sức khỏe nói chung.

Yoga đem đến nhiều lợi ích về sức khỏe. Ảnh: Thegloss
Yoga đem đến nhiều lợi ích về sức khỏe. Ảnh: Thegloss

Yoga hiện đang rất thịnh hành và được coi là một trong những phương pháp tốt nhất để điều trị các bệnh về sức khỏe tâm thần. Thậm chí, hiện có không ít người cho rằng yoga có thể trở thành một phương pháp điều trị độc lập. Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Bắc Carolina (Mỹ) vừa công bố trên tạp chí khoa học Trauma, Violence and Abuse (Chấn thương, Bạo lực và Lạm dụng) của Mỹ lại đi đến kết luận trái chiều.

Theo đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ một lần nữa chỉ ra rằng phương pháp tập luyện này rất có lợi; nhưng họ cho rằng hiện chưa có đủ cơ sở để sử dụng yoga như một phương pháp điều trị độc lập cho các vấn đề sức khỏe tinh thần và sức khỏe nói chung.

Để đi đến kết luận kể trên, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành nghiên cứu và tham khảo 185 bài báo khoa học xuất bản trong giai đoạn 2000-2013 nghiên cứu về vấn đề này.

“Chưa đủ cơ sở để xem yoga như một phương pháp điều trị độc lập các bệnh như căng thẳng, rối loạn hậu chấn thương hoặc trầm cảm, lo âu hay các chấn thương khác. Chỉ nên dùng yoga như một liệu pháp điều trị bổ sung kết hợp với các phương pháp chính như điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu” - Rebecca Macy - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.

Điều này được Leslie Roach - một chuyên gia về yoga, người cũng tham gia vào nghiên cứu này - tán đồng. Theo bà, yoga có tiềm năng lớn trong việc giảm bớt hậu quả của các bệnh rối loạn stress hậu chấn thương, lo âu, trầm cảm hoặc các hậu quả tâm lý phát sinh do chấn thương trong ngắn hạn. Tuy nhiên, việc xem yoga như một liệu pháp độc lập thì cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi đưa ra kết luận chính thức về vấn đề này.