Vụ việc một thiên thạch mang trong mình năng lượng tương đương 30.000 tấn thuốc nổ TNT rơi xuống Đại Tây Dương ngày 6/2 vừa qua mà hầu như không ai biết làm dấy lên mối lo ngại về khả năng Trái đất bị tấn công bất ngờ bởi thiên thạch.


Vụ việc ngày 6/2 chỉ được biết đến sau khi trang Web chuyên lưu các sự kiện về thiên thạch trên Trái đất (Fireball and Bolide Reports) - một chuyên trang của chương trình Theo dõi các vật thể bay gần Trái đất của NASA - ghi nhận và sau đó được một nhân viên NASA có tên Ron Baalke tweet trên trang twitter cá nhân.

Tìm tòi sâu hơn về sự kiện này, cây bút phụ trách mảng Thiên văn học của trang mạng Slate Phil Blait đã phát hiện ra đây là một tảng thiên thạch có đường kính khoảng 5-7 m. Sau khi đốt cháy gần hết, những mẩu thiên thạch nhỏ còn lại đã rơi xuống biển và không để lại dấu vết hay thiệt hại gì. “Giả sử, thiên thạch lần này có rơi xuống địa phận khu dân cư thì thiệt hại nó gây ra cũng không đáng kể” - Phil Blait cho hay.

Vị trí nơi thiên thạch rơi xuống ở Đại Tây Dương, cách bờ biển Brazil 30 km.
Vị trí nơi thiên thạch rơi xuống ở Đại Tây Dương, cách bờ biển Brazil 1.000 km.

Báo chí nước ngoài cho rằng đây là một sự kiện thiên văn quan trọng nhất sau vụ nổ thiên thạch ở Chelyabinsk, Nga hồi năm 2013, khiến 1.600 người bị thương, tuy nhiên họ ngạc nhiên vì NASA không đưa ra lời cảnh báo tới toàn thế giới!

Còn nhớ trước đó vào tháng 9/2015, Paul Chodas - Giám đốc cơ quan chuyên theo dõi các vật thể gần Trái đất của NASA (Near-Earth Object office) - từng tuyên bố : “Không có bất cứ một vật thể xác định nào có khả năng tấn công hành tinh chúng ta trong vòng 100 năm tới”.

Theo NASA, hàng năm Trái đất “đón tiếp” khoảng 30 thiên thạch nhỏ, với đường kính từ 1-20m. Tuy nhiên, những thiên thạch này thường bốc cháy hết trước khi rơi xuống mặt đất. Do biển và đại dương chiếm tới 3/4 diện tích Trái đất nên việc những thiên thạch này thường rơi xuống biển. Sự kiện rơi thiên thạch vào khu vực dân cư như ở Chelyabinsk, Nga được tác giả Ian Neill - cây bút của trang Discovery - ví như sự kiện “trăm năm mới có một lần”.