90% khách hàng đi xe khách đường dài thường gọi điện hoặc ra tận bến xe mua vé, phần bán vé online gần như ‘chết cứng’. Làm thế nào để những nhà xe với quy mô rất nhỏ đang vận hành với mô hình “chồng lái xe vợ thu tiền” sẵn sàng lên online.

Đó là bài toán mà startup An Vui đã và đang giải trong 5 năm qua với tham vọng có thể góp phần số hóa ngành vận tải hành khách đường dài.


Thị trường vận tải hành khách đường dài ở Việt Nam ước tính giá trị khoảng 5.8 tỷ USD mỗi năm. Tiềm năng của thị trường này khiến anh Phan Bá Mạnh tin rằng, nếu không có một doanh nghiệp Việt nào đó “chuyển đổi số” ngành này thì rất có thể, kịch bản mà Grab, Uber chiếm lĩnh thị trường taxi sẽ xảy ra thêm một lần nữa. Đây cũng là lý do để anh đặt chân vào một lĩnh vực “có muôn vàn cái khó” này.

Anh nhớ lại: “Khách hàng đầu tiên của chúng tôi là Inter Bus Line – hệ thống xe giường nằm chạy từ Hà Nội tới Sa Pa. Tôi thậm chí đã phải nói với CEO của Inter Bus Line rằng, “Anh cho em đưa hệ thống vào vận hành giúp anh, em không lấy tiền. Em sẽ chứng minh cho anh thấy hiệu quả. Nếu hệ thống mang lại cho anh 10 đồng tăng thêm thì anh chia cho chúng em 1 đồng là được”.

Thời điểm ấy chưa ai nghĩ về chuyển đổi số, các nhà xe vẫn vận hành trơn tru bởi vậy họ từ chối mọi sự thay đổi. Với khách hàng đầu tiên, An Vui thậm chí còn phải cho nhân viên của mình sang để nhập vé giúp nhà xe. Sau 6 tháng, từ một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không mấy khả quan, Inter Bus Line tăng trưởng 300% lợi nhuận.

“CEO của Inter bus Line gọi điện cho tôi bảo: “An Vui uống nước lã để sống à, phải tính tiền đi chứ” – anh Mạnh cười nói “hạnh phúc lớn nhất của người làm startup là có người sẵn sàng trả tiền cho mình. Đó là khi chúng ta chứng minh được giá trị với thị trường và doanh nghiệp. Với chúng tôi họ là ân nhân đầu tiên, khách hàng đầu tiên dũng cảm sử dụng”.

Thay đổi các doanh nghiệp quy mô hộ gia đình

Thành công đầu tiên khiến An Vui tính tiếp những đối tượng tiềm năng, những doanh nghiệp vận tải khách quy mô hộ gia đình với 1-5 xe, hoạt động theo phương thức ‘chồng lái xe, vợ thu tiền”. Trong 21 nghìn doanh nghiệp vận tải, chỉ có khoảng 2000 doanh nghiệp lớn, số còn lại đều ở quy mô nhỏ. Sự phân mảnh và suy nghĩ bảo thủ ngại thay đổi của những nhà xe này được xem là trở ngại lớn nhất mà An Vui phải đối mặt trong giai đoạn đầu. “Tại sao chúng tôi phải thay đổi khi mà 90% khách của nhà xe đã đi quen? Công nghệ này giúp chúng tôi những cái gì hay chỉ làm phức tạp thêm quy trình hoạt động từ trước tới nay?” – là những câu hỏi An Vui phải đối mặt.

Khi điều tra thị trường, An Vui nhận thấy, 55% khách có thói quen ra bến xe, 40% gọi điện đặt vé từ các nhà xe quen thuộc và chỉ khoảng 5% đặt online qua một số kênh bán. Khi phân tích các dữ liệu thu được thì lý do các kênh bán online chưa phát triển là bởi thiếu một nền tảng số hóa toàn bộ quy trình vận hành. Đôi khi, cùng một vé nhưng tài xế và hệ thống bán vé online cùng bán do không cập nhật liên tục. Các nhà xe hoạt động thủ công, ai đặt ngày nào thì tự nhớ ngày ấy, nếu ngày đi xa hơn thì ghi vào sổ, đến ngày đi mở ra xem rồi lại gọi điện trao đổi.

“Cái chúng tôi muốn không phải là thay đối thói quen chọn những nhà xe thân thiết của khách hàng mà chỉ muốn thay đổi cách tiếp cận. Ngày xưa phải ra bến, gọi điện mới có vé thì giờ đây có thể lên website, ứng dụng của nhà xe để đặt vé. Đến ngày đi, nhân viên vận hành phải gọi điện cho tài xế để báo các thời gian địa điểm đón trả khách….” – CEO Phan Bá Mạnh của An Vui bày tỏ và kết luận “những thực trạng đó cho thấy, vận tải hành khách đường dài cần có một nền tảng quản trị liên thông mọi hoạt động để từ hành khách đến tài xế và chủ nhà xe đều có thể ‘đi an về vui’”.

Để giải quyết những bài toán đó, An Vui gọi mình là nền tảng quản trị hệ thống của doanh nghiệp với 28 module, phục vụ mọi nhu cầu ‘lên online’ của doanh nghiệp từ A-Z như xây dựng website, app để bán vé, hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng bằng AI, hệ thống tin nhắn, vé điện tử, quản trị hệ thống vé theo thời gian thực, quản lý quá trình bảo trì, bảo dưỡng xe, quản lý tài chính….

Giải thích đơn giản về hệ thống của mình, anh Phan Bá Mạnh cho biết: “Khách hàng có thể đặt vé qua bất kỳ kênh nào của nhà xe trên app, website, qua tổng đài trả lời AI hay qua kênh bán trung gian… Hệ thống tự động ghi nhận lên hệ thống và gửi khách hàng một vé điện tử bao gồm cả mã số và QR code. Khách hàng sử dụng mã để tra cứu thời gian, địa điểm đón trả, hành trình di chuyển. Với nhà xe, toàn bộ hệ thống được cập nhật theo thời gian thực để chủ doanh nghiệp nắm được số lượng vé đã được bán, số lượng vé còn tồn, kênh bán nào đang hiệu quả để có điều chỉnh… Cuối tháng, hệ thống cũng tự động tính toán để đưa ra báo cáo tài chính lỗ lãi của doanh nghiệp”.

Một trong những tính năng đặc biệt của An Vui được khách hàng đặc biệt quan tâm là hệ thống quản lý bảo trì bảo dưỡng – điều mà xưa nay hầu như chỉ làm theo cảm tính, nghĩa là cảm thấy lâu lâu rồi hay xe có dấu hiệu hỏng mới mang đi sửa. “Một doanh nghiệp vận tải ở Bắc Giang nói với tôi rằng, đội quản lý bảo trì chẳng biết bao giờ xe phải thay lốp, cứ nhận giấy thay vì thay. Nhưng công nghệ sẽ thay đổi cách họ làm việc. Chúng tôi định vị đo đếm cung đường để biết thời gian nào lốp hay bất kỳ bộ phần nào của xe phải thay thế, sửa chữa. Mọi an toàn của xe cũng từ đó mà ra” anh Mạnh nói.

An Vui cũng giúp thay đổi cả tư duy và cách chăm sóc khách hàng của những nhà xe – điều mà trước kia tưởng chừng rất xa xôi như nhớ ngày sinh của khách hàng để chúc mừng, triển khai các chương trình giảm giá cho khách hàng thân thiết… trở thành hiện thực. Người lãnh đạo của An Vui cho rằng, nếu như ngày trước cầu luôn vượt cung thì giờ đây trong ngành này cung đang vượt cầu. Thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khách hàng đang có rất nhiều lựa chọn, nhà xe chẳng có cách nào ngoài việc phải làm ngày càng tốt hơn để giữ chân họ.
Đến thời điểm này, An Vui được 150 hãng vận tải sử dụng và có mặt trên 4000 xe khách ở khắp các tỉnh thành. An Vui cho biết đã giúp khách hàng tiết kiệm 30% chi phí nhân lực, 60% chi phí giao tiếp và tăng 20% doanh thu bán vé. Đây là kết quả của 5 năm khai phá thị trường theo đúng nghĩa, bởi theo anh Phan Bá Mạnh, An Vui đã đi vào một lĩnh vực có quá nhiều rào cản về tư duy.

Muốn là “kho vé” lớn nhất

Khái niệm chuyển đổi số sôi nổi hiện nay có thể làm cho hành trình chinh phục khách hàng của An Vui đỡ gập ghềnh hơn nhưng những tham vọng của những người sáng lập startup này chưa dừng lại ở đó. “An Vui hướng tới trở thành kho vé quốc gia, nghĩa là có thể liên thông được tất cả các nhà xe, hãng vận tải trên cả nước. Khi ấy, chúng tôi sẽ nắm được toàn bộ ghế trống theo thời gian thực. Ngoài những kênh bán trực tiếp của nhà xe, chúng tôi đưa vé trống tới các kênh bán trung gian” – CEO Phan Bá Mạnh cho biết.

Như vậy, nếu khách hàng đặt vé của nhà xe A về Phú Thọ nhưng nếu nhà xe A hết vé, hệ thống có thể đưa ra gợi ý khác để khách hàng lựa chọn. Điều này giúp chúng ta cùng lúc đạt được hai mục đích, phục vụ khách hàng tốt hơn và lượng vé bán ra tốt hơn. Để đạt được tham vọng ấy, An Vui đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống AI để trở thành tổng đài đặt vé quốc gia mà ở đó, khách hàng có thể đạt vé ở bất kỳ nhà xe nào.

Không chỉ vậy, trong thời gian tới, An Vui sẽ cung cấp miễn phí nền tảng này cho những nhà xe có quy mô, chỉ 1-3 xe như một phần hỗ trợ để các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc quản lý.

“Chúng tôi có thể thu lợi nhuận bằng cách đẩy hệ thống vé thừa của các nhà xe tới kênh bán trung gian và thu hoa hồng. Số lượng chắc không đáng kể nhưng tôi mong các nhà xe sẽ bớt việc chân tay, dành thời gian chăm sóc khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ” – anh Mạnh nói.

Ở một nấc cao hơn, An Vui muốn công nghệ có thể trở thành động lực để minh bạch hóa ngành logistics tại Việt Nam, giảm chi phí logistics đang ở mức rất cao, chiếm tới 21% chi phí của một sản phẩm, trong khi ở các nước phát triển con số chỉ là 8-9%. Những nhà xe sử dụng nền tảng của An Vui, mỗi chiếc vé đều có gắn mã QR code có liên thông với cơ quan thuế. Như vậy mỗi chiếc vé online được xuất ra đưa tới tay hành khách, cơ quan thuế đều kiểm soát được. Tham vọng này được chính CEO An Vui thừa nhận đã gây ra cái khó cho chính startup khi thuyết phục khách hàng bởi không phải doanh nghiệp vận tải nào cũng muốn minh bạch trước cơ quan quản lý nhà nước.

“Mỗi tháng, số lượng vé xuất ra trên hệ thống của An Vui là 2 triệu, nhưng con số trên thị trường còn lớn hơn rất nhiều. Hiện chúng tôi đang làm việc với Tổng cục đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải để công khai một phần dữ liệu, giúp việc quản lý của cơ quan nhà nước trở nên dễ dàng và minh bạch hơn” – CEO của An Vui chia sẻ.