Một thông tin được đưa ra cuộc hội thảo tổ chức tại Darmstadt, Đức mới đây cho biết số lượng rác thải vũ trụ với kích thước đủ lớn để phá hỏng một con tàu vũ trụ đã tăng lên gấp đôi.

Cũng theo thông tin trong cuộc hội thảo này, số lượng những vật thể nhỏ - có thể gây hại cho tàu vũ trụ trong trường hợp va chạm, và khó theo dõi - lên tới khoảng 150 triệu. Đây là kết quả qua 6 thập kỷ khám phá vũ trụ của loài người.

“Chúng tôi đang vô cùng lo lắng. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết trên quy mô toàn cầu” - Rolf Densing - Giám đốc các chương trình hoạt động của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) - nói.

Chẳng hạn, một vật thể di chuyển với tốc độ lên tới 28.000 km/h, chỉ với 1 phút va chạm, nó cũng có thể phá hỏng về mặt vệ tinh hoặc phi thuyền vũ trụ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Vào năm 1993, một radar trái đất cho thấy có khoảng 8.000 vật thể do con người tạo ra đang trôi nổi trong quỹ đạo có đường kính lớn hơn 10cm - một kích thước đủ để gây ra thảm họa. Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy gần 5.000 vật thể có kích thước lớn hơn 1m, khoảng 20.000 vật thể có đường kính hơn 10cm, và 750.000 “viên đạn bay” có đường kính khoảng 1cm. Những vật thể có kích thước lớn hơn 1mm có số lượng khoảng 150 triệu ” - ông Holger Krag - Giám đốc văn phòng rác thải vũ trụ, thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu - nói.

Nguy cơ va chạm có thể là còn xa nhưng ngày càng hiện hữu dần khi lượng rác tăng lên từng ngày và số lượng vệ tinh cũng vậy.

Có 2 sự kiện khiến số lượng rác vũ trụ nhiều hơn: đó là cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trên vệ tinh thời tiết Fengyun của Trung Quốc vào tháng 1/2007 và vụ vệ tinh viễn thông Iridium va chạm với vệ tinh quân sự Nga Kosmos -2251 bào tháng 2/2009.

Các vệ tinh có thể chuyển vị trí để tránh va chạm nhưng điều này khiến nó phải dùng nhiều năng lượng hơn và có thể dẫn tới việc nó buộc phải rút ngắn thời gian hoạt động của mình.

Theo số liệu của ESA, mỗi tuần họ nhận được 1 cảnh báo về khả năng cao xảy ra va chạm với 10 vệ tinh ở tầm quỹ đạo thấp của mình. Và mỗi vệ tinh buộc phải di chuyển để tránh va chạm từ 1-2 lần/năm.