Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kelaniya và Đại học Peradeniya (Sri Lanka) phát hiện nhiều loại nấm phân hủy cây gỗ cứng cũng có thể phân hủy polyetylen, một loại nhựa phổ biến có trong túi mua sắm, màng bọc thực phẩm và chai lọ. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí PLOS One vào cuối tháng 7.

Sơ đồ phân hủy sinh học của nấm.
Sơ đồ phân hủy sinh học của nấm.

Để tiến hành thí nghiệm, các nhà khoa học đã phân lập 50 mẫu nấm mọc từ cây gỗ cứng mục nát trong khu bảo tồn rừng Dimbulagala ở miền Trung Sri Lanka.Những loại nấm này có khả năng phân hủy lignin – một loại polyme hữu cơ giúp tạo độ cứng cho gỗ– bằng cách tiết racác enzym [những protein có nhiệm vụ thúc đẩy các phản ứng hóa học diễn ra trong tế bào]. Sau đó, họ chia các mẫu nấm thành hai nhóm chính: một nhóm phát triển trên đĩa thí nghiệm chứa nhựa polyetylen mật độ thấp, và nhóm còn lại phát triển trên đĩa thí nghiệm có cả nhựa và gỗ trong điều kiện nhiệt độ từ 28 đến 30°C.

Sau 45 ngày, nhóm nghiên cứu nhận thấy tất cả các loại nấm tham gia thử nghiệm đều phân hủy nhựa, và lượng nhựa phân hủy nhiều nhất ở các đĩa thí nghiệm không chứa thành phần gỗ.

Phát hiện này có thể là một giải pháp hữu ích để xử lý một lượng lớn chất thải nhựa được tạo ra mỗi năm trên toàn thế giới trong tương lai.