Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Astronomy & Astrophysics vào tháng 4/2020, các nhà khoa học tại Đài Thiên văn Nam Âu (ESO) phát hiện một hố đen cách Trái đất chỉ 1.000 năm ánh sáng. Đây là hố đen gần nhất từng được con người biết đến.

Ảnh: Adobe Stock.
Ảnh: Adobe Stock.

Nhóm nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về hố đen trong lúc quan sát hệ sao nhị phân HR 6819 [thuộc chòm sao Telescopium] bằng kính viễn vọng MPG/ESO khẩu độ 2,2m đặt tại Đài thiên văn La Shilla ở Chile.

“Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi nhận ra đây là hệ thống sao đầu tiên chứa lỗ đen có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Hệ sao này nằm gần đến mức chúng ta có thể nhìn thấy các ngôi sao của nó vào mỗi đêm trời quang đãng ở bán cầu Nam mà không cần dùng đến ống nhòm hoặc kính viễn vọng”, Petr Hadrava, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Các nhà khoa học thường phát hiện hố đen thông qua đĩa bồi tụ hình thành khi nó “ăn” một ngôi sao ở gần đó và giải phóng năng lượng vào vũ trụ. Tuy nhiên, hố đen trong hệ HR 6819 chung sống hòa thuận với hai ngôi sao đồng hành. Một trong hai ngôi sao quay quanh vật thể vô hình theo chu kỳ quỹ đạo 40 ngày, trong khi ngôi sao còn lại nằm ở khoảng cách lớn hơn nhiều.