Một số loài đom đóm có thể thích ứng với ánh sáng nhân tạo, nhưng những loài khác thì không thể giao phối ngay cả khi con đực và con cái tìm thấy nhau.

d
Tiến sĩ Avalon Owens bắt đom đóm vào lúc hoàng hôn. Riêng đối với loài P. obsllus, nhóm nghiên cứu phải chờ đêm khuya, bởi loài này không thích ánh sáng - dù là ánh sáng lờ mờ lúc chạng vạng. Ảnh:Billy Hickey

Khi ráng chiều dần buông, bóng tối phủ xuống bìa rừng, một đốm sáng hệt như ngọn hải đăng nhỏ hiện lên giữa màn đêm. Chẳng mấy chốc, những đốm sáng nhấp nháy trôi khắp khung trời, truyền đi thông điệp: Con đực đang tìm con cái cho cuộc giao phối ngắn ngủi. Vào mùa hè, loài côn trùng cánh cứng nhỏ thuộc họ Lampyridae, còn được gọi là đom đóm, sẽ phát sáng để thu hút bạn tình. Ánh sáng của chúng được phát ra từ một vài đốt cuối bụng

Đom đóm phát ra ánh sáng rất yếu, vì thế chỉ có thể nhìn rõ chúng trong đêm. Tuy nhiên, màn đêm mà đom đóm chờ đợi đã bị xua tan bởi thứ ánh sáng nhân tạo chói lóa. Đời sống của con người đã khiến phần lớn các khu vực có thể sinh sống được trên Trái đất bị ô nhiễm ánh sáng vào ban đêm. Theo Avalon Owens, nhà côn trùng học tại Đại học Tuffs, những năm gần đây, rất nhiều người chia sẻ với các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về đom đóm rằng số lượng loài này đang có dấu hiệu suy giảm.

“Cảm giác như chúng đang đối diện với sự diệt vong. Chúng dường như đang sống ở một nơi nào đó khác với nơi chúng từng sống", bà nói.

Rất ít người biết về tập tính của đom đóm, nên không dễ để đánh giá liệu chúng có gặp nguy hiểm hay không - và nếu có thì tại sao. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science, bà và Sara Lewis, giáo sư sinh học cũng tại Đại học Tuffs, đã hé lộ cách đom đóm phản ứng với ánh sáng nhân tạo.

Thông thường, đom đóm cái ẩn mình trên mặt đất và quan sát khi con đực bay trên bầu trời với chiếc đuôi phát sáng lập loè. Con cái không bay được, nhưng chúng cũng phát ra ánh sáng nhấp nháy để đáp lại con đực. Khi đó, chúng sẽ gặp gỡ, tương tác và cuối cùng là giao phối.

Trong một khu rừng nằm ở phía tây Boston, các nhà khoa học đã giả làm đom đóm cái và phản ứng với lời mời gọi của con đực Photinus greeni, một trong 4 loài đom đóm phổ biến được chọn làm đối tượng nghiên cứu,bằng đèn LED màu xanh lục. Đèn sẽ được chiếu trong bóng tối hoặc trong ánh sáng nhân tạo - như thể đèn đường. Họ nhận thấy, hơn 96% con đực thích bóng tối. Khi tiến hành trong phòng thí nghiệm với loài P. obsllus, mặc dù ánh sáng lờ mờ không cản trở quá trình giao phối, nhưng nếu ánh sáng mạnh hơn, không cặp đom đóm nào giao phối. Chúng vẫn tìm thấy nhau nhưng có điều gì đó đã ngăn chúng đi xa hơn, thậm chí một số con còn đi qua nhau mà không dừng lại.

TS Owens suy đoán, những con đom đóm dựa vào ánh sáng để đoán định thời gian hiện tại là ban ngày hay ban đêm. Ánh sáng mạnh đồng nghĩa với ban ngày, vì vậy chúng sẽ chờ đợi để giao phối khi trời tối hơn - về cơ bản là chúng đang chờ đợi một đêm tối không bao giờ đến.

f
Lễ hội đom đóm tại một trang trại ở Pennsylvania. Ảnh: Peggy Butler / Courtesy of Pennsylvania Firefly Festival

Các nhà khoa học tiếp tục tiến hành nghiên cứu tại một cánh đồng ở Tionesta, Pennsylvania, nhưng trên hai loài đom đóm khác. Họ dành nhiều buổi tối tháng Bảy để bắt và đánh dấu con cái của hai loài P. pyralisP. marginellus, rồi đặt chúng vào các khu vực khác nhau trên cánh đồng. Ánh sáng được trải khắp cánh đồng với nhiều mức độ khác nhau, từ sáng rực rỡ đến tối hù. Những con cái ở vùng sáng có xu hướng xuất hiện muộn hơn và di chuyển gần về phía bóng tối. Điều này cho thấy, nếu đom đóm không thoải mái với ánh sáng, chúng sẽ di chuyển vào vùng tối hơn. Dẫu vậy, ngay cả khi ánh sáng gần như gây chói mắt nhóm nghiên cứu, bằng cách nào đó, đom đóm của cả hai loài đã tìm thấy nhau và giao phối thành công.

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng họ đom đóm rất lớn và đa dạng - hơn 2.000 loài trên toàn thế giới - việc phải thích nghi với các mức độ bóng tối khác nhau có thể khiến chúng phản ứng khác nhau với tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Trong số bốn loài được nghiên cứu, P. obsllus, không bao giờ giao phối trong điều kiện ánh sáng quá chói, cũng là loài ít hoạt động nhất vào lúc chạng vạng, chúng chỉ thích đêm khuya. Ánh sáng có thể không ảnh hưởng nhiều đến một số loài - như P. pyralisP. marginellus - nhưng vẫn có thể khiến loài P. obsllus diệt vong.

Liệu có một loại ánh sáng nhân tạo nào thân thiện với tất cả các loài đom đóm hay không? Đó sẽ là loại ánh sáng với bước sóng phù hợp với mắt người lẫn côn trùng nhạy cảm với ánh sáng. TS Owens đã ấp ủ ý tưởng này khá lâu, nhưng bà vẫn chưa tìm ra phương án nào khả dĩ.

Giải pháp tốt nhất trong hiện tại khá đơn giản và cần sự triệt để: con người nên có ý thức hơn khi sử dụng đèn ngoài trời, chỉ dùng khi thật cần thiết. Mặc dù nghiên cứu cho thấy đom đóm có thể trốn chạy khỏi nơi ô nhiễm ánh sáng để trú ẩn vào bóng tối, nhưng nếu không còn nơi nào đủ tối cho chúng, khung cảnh những “đốm sao" nhỏ bé giữa màn đêm có thể chỉ còn là dĩ vàng.

Nguồn: