Cứ mỗi mùa mưa bão, nhiều sườn núi ở Việt Nam như con quái vật bị đánh thức, cựa mình quẳng xuống hàng nghìn, hàng vạn mét khối đất đá, chôn vùi các ngôi nhà, phá nát hoa màu, chặn lấp những con đường huyết mạch và đặc biệt là cướp đi nhiều sinh mạng.

Vụ hàng chục nghìn mét khối đất đá sạt xuống đánh bật một đoàn tàu đang chờ bốc hàng tại ga Lâm Giang (Lào Cai) khỏi đường ray, vùi lấp một số toa tàu và cả 3 đường sắt ở ga này đêm 9/10 chỉ là một trong rất nhiều trường hợp sạt lở đất vẫn xảy ra ở các tỉnh miền núi. Cứ mỗi mùa mưa bão, nhiều sườn núi ở Việt Nam như con quái vật bị đánh thức, cựa mình quẳng xuống hàng nghìn, hàng vạn mét khối đất đá, chôn vùi các ngôi nhà, phá nát hoa màu, chặn lấp những con đường huyết mạch và đặc biệt là cướp đi nhiều sinh mạng.

Sạt - trượt đất (tiếng Anh là landslide, tiếng Nhật là Jisuberi) xảy ra bởi các yếu tố như mưa xói bề mặt, biến đổi mực nước ngầm, động đất..., quy mô từ vài chục mét đến vài kilômét, chiều sâu lớp đất trượt từ vài mét đến hàng trăm mét chiều dài, khi cả quả núi bị trượt xuống.

Một con đường ở Quảng Ninh bị thu hẹp bởi đất đá đổ xuống trong vụ trượt lở đất mùa mưa bão năm 2013. Ảnh: M. Quang
Một con đường ở Quảng Ninh bị thu hẹp bởi đất đá đổ xuống trong vụ trượt lở đất mùa mưa bão năm 2013. Ảnh: M. Quang

Theo các nhà khoa học, mái đất đã tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm không dễ gì tự nhiên sạt xuống, nên hiện tượng sạt - trượt có thể diễn tiến rất chậm, là kết quả tác động lâu dài của nước ngầm thấm, phong hóa bề mặt do gió mưa, nắng...

Tuy nhiên, trượt đất cũng phát sinh khi chịu tác động trực tiếp của con người kết hợp với các yếu tố thiên nhiên như mưa lớn, lũ lụt, động đất... khiến khối đất đá nằm trên mái dốc hoặc sườn đồi, núi bị mất ổn định cơ học, tự tách ra thành một hoặc nhiều khối chuyển động tự do xuống phía dưới.

Có tới 29 loại trượt lở đất với các vận tốc dịch chuyển chậm, vừa, nhanh và rất nhanh. Các vụ trượt đất nông thường là nguồn gốc của lũ bùn đá và lũ quét, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Liệu có thể ngăn chặn, giảm thiểu hiện tượng tự nhiên này không? Câu trả lời là có thể, song cần các giải pháp tổng thể cả về công trình (thoát nước, dùng neo và đinh đất, phủ trồng cỏ, phun bêtông bề mặt, dùng hệ lưới bọc, lưới ngăn...) và phi công trình (tuyên truyền bảo vệ rừng, lập kế hoạch sơ tán...).

Thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều kinh phí cho các nghiên cứu nền địa chất, thu thập số liệu, xây dựng bản đồ cảnh báo, lắp đặt trạm quan trắc... song giới chuyên môn nhận định, mức đầu tư vẫn chưa đủ bởi thiệt hại do trượt lở, bão lũ gây ra vô cùng lớn. Vì vậy, khi bàn về một giải pháp tổng thể, vĩ mô để phòng chống sạt - trượt, các chuyên gia đều cho rằng thay vì chạy theo xử lý sự cố, cần đầu tư vào các giải pháp ngăn chặn - tuy cần lượng kinh phí rất lớn nhưng hiệu quả kinh tế thực ra lại cao hơn rất nhiều, chưa tính đến số sinh mạng và tài sản - trong đó có các di sản văn hóa quý giá - mà chúng ta cứu được nhờ ngăn con quái vật trượt lở đất thức giấc.