Mức độ ưu tiên khi lựa chọn người được nhận tạng phụ thuộc 2 yếu tố: Tình trạng bệnh (phân ra thành tối cấp cứu, cấp cứu, trì hoãn) và địa chỉ.

Giải đáp thắc mắc của độc giả về thứ tự ưu tiên nhận tạng ghép sau khi đọc chuyên đề về ghép tạng trên báo Khoa học và Phát triển số 935, Giáo sư - tiến sỹ Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia - cho biết, khi đăng ký, mọi bệnh nhân có chỉ định ghép tạng sẽ được lập hồ sơ tại các đơn vị ghép. Các đơn vị này sẽ đăng ký lên trung tâm. Trung tâm sẽ xem xét lại hồ sơ chuyên môn, thủ tục hành chính để đưa vào chương trình chờ ghép, xác định mức ưu tiên.


Mức độ ưu tiên phụ thuộc 2 yếu tố: Tình trạng bệnh (phân ra thành tối cấp cứu, cấp cứu, trì hoãn) và địa chỉ.


Độ ưu tiên theo địa chỉ đăng ký gồm 4 mức:

• Một là mức vùng (người nhận tạng ở Hà Nội sẽ được ghép trước nếu người cho và đơn vị ghép tạng ở Hà Nội).

• Hai là mức quốc gia. Ví dụ, nếu người cho ở miền Bắc, người nhận ở miền Bắc sẽ được ưu tiên. Nếu cùng miền không có người nhận, sẽ ưu tiên theo thứ tự Trung - Nam.

• Ba là mức ngoài quốc gia - khu vực Đông Dương (nếu trong nước không có người nhận phù hợp thì sẽ tìm ở các nước khu vực này).

• Bốn là mức ngoài quốc gia - khu vực châu Á (nếu khu vực Đông Dương không có người nhận phù hợp, trung tâm sẽ thông báo tìm ở các nước châu Á hoặc châu lục khác).

Danh sách chờ ghép được theo dõi hằng năm để biết số chờ thực tế, loại bỏ bệnh nhân mất tin tức, đã chết hoặc đi ghép ở nước khác.

Những trường hợp cần ghép cấp cứu (suy gan do viêm gan tối cấp, thải loại gan...) được đăng ký vào danh sách “tối cấp” quốc gia để hưởng mức ưu tiên.