Có lẽ ấn tượng của nhiều người khi nhắc đến Trung tâm Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu ứng dụng (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) không chỉ ở những thành tích đơn vị đạt được mà còn bởi tại đây đa phần cán bộ khoa học là nữ.

Thời gian qua, có tới 6 đề tài cấp nhà nước, 42 đề tài cấp bộ, 34 cấp cơ sở và 3 nhiệm vụ từ quỹ nước ngoài… được tập thể nữ khoa học của trung tâm đảm nhận. Năm 2013 Tập thể Trung tân Sinh học Thực nghiệm đã được tặng Giải thưởng Kovalepskaia.
Có được thành công nhờ có… phụ nữ
a
Nhắc tới những công trình nổi bật, TS Nguyễn Phương cho biết, từ năm 1993 Trung tâm Sinh học thực nghiệm đã tiến hành nghiên cứu đề tài cấp nhà nước KC-08-12 “Nghiên cứu công nghệ sản xuất các chế phẩm giàu dinh dưỡng và giàu hoạt tính sinh học từ nguồn vi tảo để phục vụ dinh dưỡng cho người và động vật”. Đề tài đã nghiên cứu sử dụng sinh khối tảo spirulina dùng cho người ở dạng sản phẩm là viên nén tảo dùng để hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư xạ trị và sản phẩm cốm dinh dưỡng Lina trong phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em.

Kế thừa kết quả này, năm 2008, trung tâm tiếp tục thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ KH&CN nhằm triển khai các kết quả nghiên cứu đưa sản phẩm ra thị trường. Từ dự án này đã có 3 sản phẩm viên nén, viên nang, cốm từ tảo spirulina với mục tiêu ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm với chất lượng ổn định, giá cả hợp lý. Các sản phẩm của dự án đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Năm 2011, trung tâm đã đăng ký và được giao nhiệm vụ cấp nhà nước: “Khai thác và phát triển nguồn gene lan kim tuyến và bạch tật lê làm nguyên liệu sản xuất thuốc. Kết quả bước đầu, đã nhân giống in vitro thành công cây thuốc lan kim tuyến thuộc danh mục sách đỏ Việt Nam.
a
Đề tài này cũng giúp trung tâm một lần nữa trở thành đơn vị đầu tiên của Việt Nam nhân giống thành công lan kim tuyến bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật. Hiện nay, các nhà khoa học thuộc trung tâm đang tiến hành phát triển vùng trồng nguồn gene cây thuốc lan kim tuyến tại Lào Cai.

Ngoài ra, trung tâm cũng nhân giống thành công nhiều loại cây dược liệu có giá trị của Việt Nam như ba kích, hoàng đằng, lan gấm,… là các loại thảo dược quý hiếm trong tự nhiên đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhìn nhận về những thành công này, TS Nguyễn Phương cho rằng đó cũng là nhờ… phụ nữ.

Theo TS Phương, nếu để nói về kết quả cuối cùng thì không quá khó, nhưng phải hiểu được rằng để đi đến kết quả đó là những chuỗi ngày dài các nhà khoa học phải lặn lội tìm kiếm nguồn gene rồi “giam mình” trong phòng nghiên cứu, theo dõi tỉ mỉ rồi phân tích, tìm tòi...

“Sự cần cù, khéo léo và cẩn thận là yếu tố quan trọng mà công việc ở đây đòi hỏi. Tất cả những đức tính đều hội tụ ở người phụ nữ. Có lẽ cũng vì thế mà trung tâm có được thành công ngày hôm nay” - TS Nguyễn Phương tự hào.

Nếu đam mê sẽ biết cách sắp xếp

Chia sẻ về công việc nghiên cứu tại trung tâm, thạc sĩ Phan Xuân Bình Minh - người đã làm chủ nhiệm đề tài cấp bộ về “Nhân giống cây ba kích và hoàng đằng” và đề tài cơ sở “Bảo tồn và phát triển loài lan kim tuyến đặc hữu của Việt Nam” - cho biết:

“Với vai trò là một cán bộ nghiên cứu, chúng tôi luôn mong muốn các kết quả nghiên cứu của mình được áp dụng vào thực tiễn, góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà”.

a

Để làm được điều đó, với những cán bộ nữ phải nỗ lực hơn rất nhiều vì ngoài nghiên cứu, ai cũng có mối quan tâm riêng là gia đình, con cái. Vì vậy để hoàn thành cả hai vai, mỗi cán bộ ở đây phải biết cân đối, đôi khi là sự hy sinh cả thời gian dành cho riêng mình.

Thạc sĩ Bình Minh tâm sự thêm: Năm 2011 - sau khi đề tài cấp bộ kết thúc, chúng tôi cũng đã thực hiện hợp đồng chuyển giao mô hình nhân giống và trồng ba kích dưới tán rừng cho Trung tâm ứng dụng tỉnh Phú Yên; với kết quả đạt được, hiện tại Phú Yên đã chủ động được nguồn giống và phát triển được vùng trồng ba kích dưới tán rừng.

Để tiếp tục những kết quả của đề tài, chúng tôi xây dựng dự án sản xuất thử giống ba kích cung cấp cho các hộ dân thuộc huyện Trà Lĩnh - Cao Bằng nhằm phát triển loại cây dược liệu có giá trị kinh tế và nâng cao thu nhập cho đồng bào nghèo các dân tộc ít người.

“Với đề tài bảo tồn và phát triển loài lan kim tuyến đặc hữu của Việt Nam, chúng tôi cũng hy vọng với những kết quả đã đạt được, trong tương lai gần sẽ chuyển giao cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng loại cây dược liệu mới và có giá trị này cho các địa phương và người dân vùng núi phía bắc và Trung Bộ, đặc biệt là những vùng thuộc diện 30A của Chính phủ” - thạc sĩ Bình Minh bày tỏ.

Cũng nói về những cố gắng hài hòa giữa công việc và gia đình, kỹ sư Trương Thị Chiên - Phòng Sinh học phân tử - tâm sự: “Là một cán bộ nữ nên bản thân tôi thấy trong quá trình thực hiện triển khai nhiệm vụ hay tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội cũng gặp khá nhiều khó khăn và chắc chắn bị hạn chế về thời gian cho gia đình và chăm sóc con nhỏ; nhất là những đợt công tác, khảo sát thực tế dài ngày ở các địa phương, hay những đợt đi lấy mẫu đi từ sáng sớm đến tối khuya mới về. Những khi đó phải nhờ người trông con, cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc.Thế nhưng dù khó khăn, song nếu có đam mê, chắc chắn sẽ biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - Thạc sĩ Chiên cho biết.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Lài - Trưởng phòng Bảo tồn phát triển nguồn gene - cũng kể về những ngày mà chị và các cán bộ khoa học nữ tại trung tâm trèo rừng, lội suối để tìm kiếm các nguồn gene quý.

“Có những khi phải trèo lên núi cao, lên thì cố gắng được, nhưng đến khi xuống cũng không phải đơn giản. Những khi đó chị em phải quên mình là phụ nữ, vượt qua mọi khó khăn để làm việc. Dần rồi mọi việc cũng quen và chuyện đi rừng, vùng sâu vùng xa cũng trở thành kỹ năng của cán bộ nữ thuộc trung tâm” - thạc sĩ Lài chia sẻ.

Những hoàn cảnh đặc biệt dường như đã rèn luyện sự bền bỉ, gan dạ, bản lĩnh cho các nhà khoa học nữ nơi đây. Cũng như những người phụ nữ khác tại trung tâm, chị Lài có con nhỏ, song để có thể hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đôi khi cần cả “nghệ thuật sống”.

“Trong khoa học đòi hỏi sự tập trung cao nên các bộ phận nghiên cứu phải chuyên tâm. Muốn như vậy, phải giải quyết công việc gia đình ổn thỏa thì mọi việc sẽ trôi chảy và yên tâm với công việc” - thạc sĩ Lài chia sẻ.

Thạc sĩ Lài tâm sự: Việt Nam được cho là nước có đa dạng sinh học phong phú, thế nhưng do khai thác quá mức nên rất nhiều nguồn gene quý đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà khoa học là phải tìm kiếm và phục hồi.

Công việc này không chỉ đơn giản là ngồi trong phòng thí nghiệm, mà phải tìm kiếm rồi mới có thể nghiên cứu và nhân rộng.

Để tạo đời sống tinh thần tốt cho chị em, TS Phương cho biết hằng tháng, hằng quý - thông qua tổ chức công đoàn, trung tâm thường tổ chức các buổi giao lưu, sinh nhật cho anh chị em. “Đây là cách để các cán bộ gắn kết, giảm căng thẳng và cũng thông cảm với nhau hơn, giúp cho công việc được trôi chảy hơn” - TS Phương cho biết.

TS Nguyễn Phương ghi nhận: “Thành công ngày hôm nay không thể không nói đến sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ KH&CN, của Viện Ứng dụng công nghệ để trung tâm có thể thực hiện và triển khai được các ý tưởng khoa học, tạo ra các sản phẩm phục vụ cuộc sống và sự nỗ lực không ngừng vượt qua bao khó khăn, vất vả của phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học của trung tâm.

Tập thể nữ Trung tâm Sinh học Thực nghiệm được đánh giá là tập thể đoàn kết, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, vượt qua mọi khó khăn, biết sắp xếp hợp lý giữa công việc và gia đình, công tác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, chị em luôn chăm lo gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan và xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng nền kinh tế tri thức vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.