Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh chỉ ra Người Nhện, một siêu anh hùng trong truyện tranh và các bộ phim Mỹ, không thể tồn tại ngoài đời thực do nghịch lý về khả năng leo tường.

ly-do-nguoi-nhen-khong-the-ton-tai-ngoai-doi-thuc

Người Nhện không thể tồn tại dưới góc độ khoa học. Ảnh: Variety.

Trong kết quả công bố hôm qua trên tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, các nhà nghiên cứu cho biết tắc kè là loài động vật lớn nhất có thể leo trên những bức tường dốc đứng trơn trượt bằng bàn chân bám dính.

Để rút ra kết luận trên, David Labonte và đồng nghiệp tại Khoa Động vật học ở Đại học Cambridge, Anh, so sánh trọng lượng và kích thước bàn chân của 225 loài leo trèo bao gồm côn trùng, ếch, nhện, thằn lằn và động vật có vú, theo Xinhua. Nhóm nghiên cứu phát hiện vùng bám dính trên bàn chân của động vật tăng cùng tỷ lệ với trọng lượng. Ví dụ, tắc kè có vùng bám dính lớn gấp 200 lần những con mối nhỏ.

Tỷ lệ vùng bám dính cũng dẫn đến giới hạn trong kích thước của động vật sử dụng phương pháp leo trèo này bởi động vật lớn hơn sẽ cần cấu tạo chân to không kém. "Khi kích thước động vật tăng lên, tỷ lệ bề mặt tiếp xúc theo thể tích cơ thể sẽ giảm đi. Loài kiến có bề mặt tiếp xúc lớn và thể tích nhỏ, trong khi cá voi xanh có bề mặt tiếp xúc nhỏ và thể tích lớn", Labonte cho biết.

ly-do-nguoi-nhen-khong-the-ton-tai-ngoai-doi-thuc-1

Để có thể đi trên tường, con người cần bàn chân dài khoảng 100 cm. Ảnh: Variety.

"Điều này gây ra vấn đề cho những loài leo trèo lớn vì khi càng to và nặng, chúng càng cần tăng cường khả năng bám dính để có thể bám chắc vào bề mặt dốc đứng hoặc dựng ngược", Labonte nói. Theo quy luật đó, con người cần vùng bám dính chiếm 40% bề mặt cơ thể hoặc 80% mặt trước để đi được trên tường như Người Nhện.

"Nếu con người muốn đi trên tường như thằn lằn, chúng ta cần bàn chân bám dính lớn đến mức phi lý, vào khoảng 100 cm", Xinhua dẫn lời Walter Federle, đồng tác giả nghiên cứu.

Thực tế, những loài vật lớn trong tự nhiên đã tiến hóa theo hướng mọc thêm móng vuốt và ngón chân để bám chặt trong lúc leo trèo. Nhóm tác giả hy vọng kết quả nghiên cứu về giới hạn kích thước của vùng bám dính ở chân có thể giúp phát triển những vật liệu dính sinh học hiệu quả trên các bề mặt lớn.