Nhà khoa học Nuno Faria tại Đại học Oxford (Anh) và các đồng nghiệp của ông đã xây dựng “gia phả” của HIV bằng cách nghiên cứu các bộ gene HIV thu thập được từ khoảng 800 người bị nhiễm bệnh tại Trung Phi.

Thông qua việc so sánh tuần tự hai chuỗi gene và xác định sự khác biệt giữa chúng, nhóm nghiên cứu có thể hình dung ra tổ tiên chung của HIV xuất hiện khi nào. Faria xác định, các bộ gene HIV có cùng một tổ tiên tồn tại gần 100 năm trước đây - khoảng năm 1920. Họ cũng đã xác định nơi xuất phát của virus chính là Kinshasa - thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Congo tại châu Phi.

Các chủng virus HIV ở châu Phi đều xuất phát từ Kinshasa - thủ đô Congo. Ảnh: Futurism
Các chủng virus HIV ở châu Phi đều xuất phát từ Kinshasa - thủ đô Congo. Ảnh: Futurism

Trong những năm 1920, Cộng hòa Dân chủ Congo là thuộc địa của Bỉ. Vì Kinshasha là thủ đô của Congo nên nhiều chàng trai trẻ đã tới đây với hy vọng tạo dựng tương lai. Cùng với họ, đường sắt và nạn mại dâm mọc lên như nấm. Đây chính là hai yếu tố khiến virus HIV phát tán khắp thế giới, đường sắt chuyên chở người đi mọi nơi và tệ nạn mại dâm khiến HIV lây lan để trở thành đại dịch.

Trớ trêu là HIV-1 nhóm M - có nguồn gốc ở các thuộc địa - chịu trách nhiệm cho khoảng 90% số ca nhiễm HIV trên thế giới, trong khi HIV-1 nhóm O - xuất xứ ở vùng lân cận - chỉ lây lan ở Tây Phi.

Faria cho biết: “Các yếu tố sinh thái chứ không phải sự tiến hóa của virus khiến nó lây lan nhanh đến vậy. Mặc dù đã xác định HIV đến từ đâu, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra nơi nó sẽ kết thúc. Chúng tôi vẫn thực hiện các xét nghiệm di truyền từng giúp định vị “nơi sinh” của căn bệnh này để xác định khu vực mà các cơ quan y tế cần can thiệp, từ đó có thể giảm thiểu tối đa sự lây lan của HIV”.

Trong suốt 30 năm qua, hơn 100 loại vắcxin phòng, chống HIV được thử nghiệm. Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm được loại thuốc nào thực sự hiệu quả để bảo vệ con người một cách lâu dài trước căn bệnh xuyên thế kỷ này. Mới đây nhất, các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc thay đổi DNA ở phôi thai người, mở ra hy vọng mới trong việc ngăn chặn tái lây nhiễm HIV.

Những đứa trẻ tại Kinshasa được xét nghiệm máu để kiểm tra. Ảnh: MSF
Những đứa trẻ tại Kinshasa được xét nghiệm máu để kiểm tra. Ảnh: MSF

Cụ thể, các chuyên gia thuộc ĐH Y tế Quảng Châu đã sử dụng công cụ chỉnh sửa gene người CRISPR/Cas9 để can thiệp vào quá trình hình thành của phôi thai và đưa một loại thuốc kháng HIV vào cơ thể. Với cách thức này, virus HIV có thể bị tách ra khỏi các DNA trong tế bào miễn dịch, qua đó ngăn chặn chúng tiếp tục xâm nhập những tế bào khác trong cơ thể.

Dù các nhà khoa học cho biết họ còn rất nhiều việc phải làm trước khi đưa được kết quả nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn, nhưng rõ ràng đã có một hướng đi mới trong việc phát triển các loại thuốc điều trị HIV trong tương lai. Nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.